Ơn nghĩa hai người thầy

11/11/2016 - 07:59

Nhà báo Huỳnh Năm Thông (bìa phải)

Năm 1986, khi đi Thanh niên xung phong về tôi có lắm nỗi niềm và nhiều bức xúc, nên tham lam ôm ấp cả hai giấc mộng lớn: viết văn và viết báo. Những bước đi tập tễnh đầu tiên vào nghề, may mắn thay tôi được gặp nhà báo Hà Thanh Niên và nhà báo lão thành Huỳnh Năm Thông. Hai vị này là nguồn động viên, khích lệ cho tôi trong quá trình hành nghề.

Bấy giờ, sau khi thức trắng đêm viết liền hai bài báo, tôi háo hức mang trực tiếp tới Tòa soạn Báo Đồng Khởi. Người nhận bài là một phụ nữ rất xinh đẹp, phúc hậu. Sau đó tôi được biết chị tên là Mai Hoa, cán bộ phụ trách Phòng Công tác bạn đọc. Tôi ngô nghê nghĩ rằng gửi bài là sẽ được đăng. Nôn nóng, theo dõi, chờ mãi đến những hai tháng mà không thấy báo đăng bài. Bức bối nhưng không nản lòng. Tôi viết tiếp hai bài và cũng mang đến trao cho chị Mai Hoa. Cũng mang tâm trạng chờ đợi và thời gian cũng ngần ấy. Bất ngờ, điều tôi lấy làm sung sướng vô cùng là một trong hai bài ấy đã được đăng. Mừng quá, mang niềm vui lớn tôi đi khoe với bè bạn. Rồi liền phóng xe đạp từ Giồng Trôm lên tòa soạn để nhận báo biếu và nhuận bút. Mặc dù bài báo ấy tôi viết tiếp sức cho người bạn “dân” kỹ sư ngành thủy sản về quy trình, phương pháp nuôi cá rô đồng. Đến trụ sở Báo Đồng Khởi lần này thì gặp anh Tư Niên - nhà báo Hà Thanh Niên (bấy giờ anh là Phó tổng biên tập thì phải). Khi biết tôi là đồng tác giả với bài báo ấy anh có vẻ mừng vì có thêm cộng tác viên mới. Nhưng tính anh kín đáo không bộc lộ cảm xúc nhiều. Qua chuyện trò, biết tôi là đồng hương, lại thời chiến tranh gia đình anh từ Lương Hòa tản cư xuống thị trấn Giồng Trôm lánh nạn ở cùng xóm tôi. Tôi với hai người em của anh là Hà Thanh Minh và Hà Thị Thanh Thúy từng học chung dưới mái trường Tam Đảo nên câu chuyện cởi mở, thân mật hơn. Trao đổi nhiều điều, cuối cùng anh ân cần nhắc nhỡ, rằng: “Chú xin nhớ, phải có điều gì “để báo” mới ngồi vào viết báo!”. Câu nói ấy đối với tôi lúc ấy là bài học lớn, vô cùng quý giá. Tròn ba mươi năm nhưng khi nghĩ về nghề tôi vẫn thấy câu nói ấy là bài học vẫn còn nguyên giá trị. Với tôi nó là kim chỉ Nam. Bởi nó luôn nhắc nhỡ về tư duy đề tài. Đồng thời phải luôn động não đi tìm đề tài mới để “có điều gì “báo” mà trao tới tay bạn đọc. Phải nhọc nhằn, trau chuốt từng con chữ, từng trang viết, chứ không thể lười biếng, ngồi ở nhà mà tán những điều không xác thực. Hay cho bạn đọc “ăn” thức ăn nguội lạnh, nhạt thếch.

Sau “sự kiện bài được đăng” vài năm, tôi đi tác nghiệp ở Ba Tri. Qua người bạn ở Phú Lễ, tôi được biết từ bài báo đầu tiên của tôi đăng trên báo Đồng Khởi, có nhiều nông dân ở quê anh học tập theo phương pháp nuôi cá rô đồng rất hiệu quả. Vậy là một lần nữa tôi có niềm vui lớn vì góp phần  giúp cho bà con nghèo tìm thêm kế sinh nhai. Niềm vui ấy không kém gì bài báo được đăng.

----

Năm 2000. Tôi được Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre mời đi học lớp “bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ báo chí”. Vì bài vở của tôi thường xuyên đăng trên Báo Đồng Khởi cũng như các báo, tạp chí khác trong và ngoài tỉnh. Lớp học ấy thời gian một tuần lễ. Có nhiều thầy giảng dạy, song chú Năm Thông - thầy Huỳnh Năm Thông đã gieo vào lòng tôi, vào nghề viết báo của tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Lúc đứng trên bục giảng hay ngồi bên bàn trà trong giờ giải lao, bao giờ chú cũng nhấn mạnh một điều bất di bất dịch: “Kẻ nào có nhiều thông tin trong tay thì sức mạnh thuộc về kẻ ấy”. Điều của chú Năm Thông dạy tuy có khác anh Tư Niên, song sự “nặng ký” khiến cho tôi và nhiều học viên khác luôn học tập và ghi nhớ trong tâm thức của người làm báo. Bởi điều ấy định hướng cho người làm báo phải kịp thời, nhanh nhẹn, năng nổ mang tới cho bạn đọc những thông tin mới nhất, tốt nhất, nhằm mang “sức mạnh” đến cho bạn đọc, cho quần chúng bằng sứ mệnh, bằng thiên chức của một nhà báo cho dù chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp.

Chú Năm Thông là thế hệ nhà báo trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuy vậy, bao giờ chú cũng luôn cập nhật những điều mới mẽ trong nghiệp vụ. Chú luôn nhắc nhỡ chúng tôi nhiều điều về phẩm chất, trách nhiệm và bản lĩnh của người cầm bút. Chi tiết hơn, chú lưu ý viết báo phải linh hoạt, ứng dụng những cái mẹo để xử lý bài viết. Và viết câu càng ngắn gọn, súc tích càng tốt. Bởi như vậy mới “hút” được bạn đọc đón nhận thông tin một cách tốt nhất.

Nhà báo Hà Thanh Niên (bìa phải) tại buổi họp mặt báo chí năm 2011.

Ba mươi năm trước, lần đầu vinh dự được diện kiến, tiếp xúc anh Tư Niên - nhà báo Hà Thanh Niên cũng như mười sáu năm trước được học tập về nghề báo của chú Năm Thông như hãy mới đây thôi. Những cẩm nang, “bửu bối”, những tài sản tinh thần cho nghiệp vụ báo chí mà hai nhà báo đã ân cần trao cho, ắt hẳn tôi sẽ trân trọng mang theo suốt cuộc đời. Bao giờ gặp lại hai vị ấy lúc sinh thời, tôi đều tôn kính gọi bằng Thầy đúng nghĩa cao đẹp của nó. Song vị nào cũng khiêm tốn, nắn vai tôi, chỉ nhận rằng tôi là đồng nghiệp, làm cho tôi không khỏi áy náy.

Tôi vừa viết văn vừa viết báo với thời gian khá dài, trong tay đã có ba tập thơ và chuẩn bị in hai tập sách văn xuôi. Tôi rất biết ơn nghề báo. Nghề báo đã giúp tôi rất nhiều điều trong quá trình viết văn. Hay nói cách khác của giác độ người viết văn: “Lấy báo nuôi văn”, ở nhiều tầng nghĩa. Dù văn hay báo, bao giờ tôi cũng thấy trên từng trang viết của mình đều có bóng dáng của hai người người ơn - Hai vị thầy đầu tiên: nhà báo Hà Thanh Niên và nhà báo Huỳnh Năm Thông.

Phạm Bội Anh Thuyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN