Ông Ba “khuyến học”

04/01/2010 - 09:55
Ảnh: B.Trâm

Hễ nghe được thông tin về hoàn cảnh khó khăn của học sinh, sinh viên ở địa phương là ông tìm đến tận nơi để tạo điều kiện giúp đỡ. Bởi thế, Tết Nguyên đán hàng năm, các cháu sinh viên thường đến nhà ông thăm hỏi, chúc Tết, và báo cáo thành tích học tập cũng như dự định khi ra trường.

Ông tên là Trương Thanh Cảnh (1935), còn gọi là ông Ba Cảnh, ngụ tại ấp Thạnh Tây, Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam). Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đông anh em, cha mẹ làm nông. Để có cái ăn, cả nhà phải lao động vất vả, quanh năm bám lấy ruộng đồng. Không bằng lòng với hiện tại, ông Trương Thanh Cảnh quyết tâm đi học để có cái nghề nuôi bản thân, thoát khỏi cảnh đói khổ. Và cũng chính ông đã làm gương cho các em học tập, người đi trước dìu người đi sau. Vào năm 1957, ông Cảnh thi đậu tú tài 2 và gắn bó với ngành giáo dục. Lúc đầu, ông dạy ở Trường Nguyễn Công Trứ (Tiền Giang) môn Toán - Lý, đến năm 1972 làm gia sư ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về Hương Mỹ gắn bó với đồng quê. Tuy vậy, ông thường xuyên theo dõi tin tức liên quan đến giáo dục và hướng cho các con mình cách tự học, tự rèn.

Vào năm 2002, ông Trương Thanh Cảnh phát hiện ở địa phương có một học sinh thi đậu đại học nhưng không đủ điều kiện theo học. Đó là em Tiến, người cùng xã. Ông kêu gọi bạn bè quyên góp giúp cháu Tiến đi học, nhưng rồi lại thôi vì cách này không hiệu quả. Bởi giúp cháu một lần, liệu cháu có thể sẽ tiếp tục học không? Để có hiệu quả dài lâu, ông nghĩ, phải cho cháu mượn tiền học suốt những năm đại học, khi nào tốt nghiệp ra trường có việc làm sẽ trả nợ dần. Nhưng vấn đề tài chính thì… Ông Cảnh kể: Lúc đó, thấy tôi trăn trở về chuyện này thì em gái tôi là Trương Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH đồ hộp Á Châu (Tiền Giang) đã hiểu và đồng cảm. Em gái tôi khuyến khích tôi tham gia công tác khuyến học ở địa phương, hỗ trợ tiền và còn đồng ý làm “mạnh thường quân” lâu dài. Tôi  phấn khởi lắm, giúp được các cháu đến trường, có nghề nghiệp sau này là gián tiếp giúp gia đình cháu thoát nghèo. Từ đó, tôi cùng những người làm công tác khuyến học ở xã đi khắp các ngõ ngách để tìm học sinh nghèo học giỏi, có đạo đức tốt để tạo điều kiện cho các em ăn học mà không phải tín chấp hay làm bất cứ thủ tục vay mượn nào.

Từ sáng kiến giúp vốn cho học sinh nghèo đến trường, tiếng tăm của Hội Khuyến học xã Hương Mỹ cũng bay xa. Đến nay, có hơn 100 em mượn vốn từ quỹ khuyến học xã để học đại học với số tiền (lũy kế) trên 900 triệu đồng. Nhiều em đã ra trường, có việc làm tốt, đó là niềm vui lớn nhất dành cho những người làm công tác khuyến học như tôi- ông Cảnh nói.

Khi hỏi ông, có nghĩ đến việc các cháu không trả tiền(?). Tôi chưa từng nghĩ đến việc đó - ông Cảnh cười và nói tiếp: Tôi cũng từng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, tôi cảm thông với các cháu. Hiện nay, Hội khuyến học của xã còn giúp các sinh viên ngành giáo dục tiếp tục học cao học, mỗi năm ưu tiên 3 người, ông Cảnh cho biết. Và cũng theo ông, đầu tư giáo dục là đầu tư có lợi lâu dài vì đào tạo được nhiều giáo viên chăm lo giáo dục thế hệ

mai sau.

Nay, tuy đã 74 tuổi nhưng ông Cảnh lúc nào cũng tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài. Hiện, ông là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hương Mỹ.

Bích Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN