Ông “Mười hủ tiếu”

20/01/2013 - 14:39
Ông Mười bên những chiếc bánh hủ tiếu được tráng bằng máy.

Hủ tiếu được sản xuất tại nhiều nơi trong tỉnh. Nhưng nếu muốn nói đến nơi làm hủ tiếu nổi tiếng của Bến Tre thì phải ghé Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm) - địa danh còn nhiều đặc sản nổi tiếng khác như bánh tráng, bún… Người làm nên tên tuổi cho hủ tiếu Mỹ Lồng là ông Võ Văn Phụng, thường được gọi là ông “Mười hủ tiếu”.

“Vua” hủ tiếu

Nghề làm hủ tiếu của ông Mười được truyền thụ từ đời cha. Ông kể, trước đây, bánh hủ tiếu được tráng bằng một cái đụng (chảo to). Mỗi lần chỉ tráng được một bánh. Người làm phải mất nhiều công phu mới có được thành phẩm.

Một chiếc bánh ra lò phải trải qua nhiều công đoạn cơ bản như: ngâm gạo, xay bột, lấy trùng bột, trộn bột, tráng bánh, phơi nắng, ngâm dầu, gỡ dằn và cuối cùng là xắt bánh hủ tiếu ra thành sợi. Gia vị cần có để làm dịu bánh là muối, được để vào lúc xay bột. Gạo làm bún phải là gạo ở Bến Tre, còn gạo làm hủ tiếu phải lấy từ Trà Vinh. Một loại gạo to, tròn và có các đặc tính làm nên chất lượng bánh là thơm, nở, dai, mềm.

Vì làm ra với số lượng ít nên sản phẩm chỉ đủ để cung cấp cho tiểu thương tại chợ Mỹ Lồng hay người nấu hủ tiếu bán tại chợ. Vì vậy, cũng từ thời này, món hủ tiếu ở đây đã được thực khách biết đến và bắt đầu truyền tai nhau rằng: Hủ tiếu chợ Mỹ Lồng ngon nổi danh. Nếu ai có đi ngang qua đây đừng quên ghé vào ăn tô hủ tiếu! Chắc rằng người ăn sau đó sẽ cũng gật đầu, tấm tắc khen ngon. Bởi, thực khách sẽ không thể nhầm lẫn với hủ tiếu ở bất kỳ nơi đâu do độ dai, thơm, ngon rất đặc biệt của hủ tiếu Mỹ Lồng.

Đến thời ông Mười, nghề làm hủ tiếu được phát huy. Sản phẩm được cung cấp cho thị trường lớn hơn. Tên tuổi cũng ngày càng được khuếch trương xa hơn. Đến nay, ông đã 60 tuổi và nghề làm hủ tiếu đã gắn bó với ông đến hơn 40 năm. Ngày nay, phần lớn chủ các cơ sở làm hủ tiếu ở Mỹ Lồng và nhiều nơi trong tỉnh là “học trò” đã được qua “trường, lớp” của ông Mười.

Phát huy nghề truyền thống bằng cách ứng dụng công nghệ mới

Nghề làm hủ tiếu cũng là một trong những nghề truyền thống của làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng. Ngày nay, để theo kịp sự tiến bộ của xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về lượng và chất của sản phẩm, người thợ làm bánh phải tìm tòi, ứng dụng công nghệ với các giải pháp ứng dụng có độ tinh, gọn, tiết giảm thời gian, nhiên liệu, công lao động, đồng thời sản xuất ra sản lượng bánh lớn gấp nhiều lần.

Từ yêu cầu của thực tế đó, ông Mười đã nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư máy móc, kỹ thuật mới để thay thế phương pháp làm thủ công đối với các công đoạn xay bột, trộn bột, tráng bánh, xắt bánh thành sợi. Để tiết kiệm năng lượng, giữ nhiệt, hạn chế khói bụi, ông đã ứng dụng giải pháp bảo ôn đường ống hơi, lắp biến tần cho băng tải và thực hiện các điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để nâng cao chất lượng quản lý trong sản xuất, ông Mười đã lắp đặt hệ thống camera ngoài sân phơi để theo dõi cả khuôn viên chiếm diện tích 3.500m2 đến từng công đoạn sản xuất. Ông Mười chỉ cần ngồi một chỗ để quan sát, quản lý thợ thực hiện từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Ông có thể kiểm tra lại để tìm ra nguyên nhân nào đã ảnh hưởng đến chất lượng bánh, từ đó kịp thời nhắc nhở, khắc phục.

Ngày nay, người lao động đã có nhiều cải tiến máy móc, thiết bị, đưa công nghệ vào nghề sản xuất truyền thống. Thế nhưng chất lượng bánh không do máy móc quyết định mà do kỹ thuật, kinh nghiệm được đúc kết từ lâu đời của người sản xuất.

Kinh nghiệm để làm nên một tên tuổi nổi danh cho một sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào một công đoạn nào đó mà cần có sự hoàn hảo ở tất cả các công đoạn. Sự hoàn hảo đó phải bắt đầu từ cái tâm và đôi tay của người thợ. Đó chính là những giá trị truyền thống không bị trùng lắp và luôn cần được gìn giữ, phát huy.

Bài, ảnh: CẨM TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN