­­COVID-19 tới 6 giờ 28-9-2021:

Pfizer thử nghiệm lâm sàng thuốc viên; Nhiều nước mở cửa, sống chung với đại dịch

28/09/2021 - 06:20

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 303.536 trường hợp mắc COVID-19 và 5.047 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 232,5 triệu ca, trong đó trên 4,76 triệu người không qua khỏi.

Một nhà hàng với không gian mở tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 28-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nhà hàng với không gian mở tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 28-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28-9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 232.583.906 ca, trong đó có 4.761.756 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 120.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 2.000 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc ngày 18-9-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc ngày 18-9-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 209 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27-9, thế giới có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.750.983 ca mắc và 706.472      ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 593.000 ca tử vong.

Chính phủ Nhật Bản ngày 27-9 cho biết kể từ ngày 1-10 tới, nước này sẽ nới lỏng các quy định về cách ly đối với những khách nhập cảnh đã tiêm ngừa COVID-19.

Hành khách điền thông tin vào phiếu cách ly phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Narita, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hành khách điền thông tin vào phiếu cách ly phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Narita, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch khởi động lại du lịch quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các trường hợp đã được tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày - giảm 4 ngày so với quy định trước đó.

Sau khi hết thời hạn cách ly, những người đã được tiêm phòng đầy đủ có thể tự do đi lại trong lãnh thổ Nhật Bản nếu họ có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, quy định nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang phẩn bổ ngân sách 36,2 tỷ won (tương đương 30,8 triệu USD) để mua thuốc điều trị COVID-19 dạng uống, đồng thời tiếp tục thảo luận với một số hãng dược trên thế giới để ký hợp đồng đặt mua trước loại thuốc này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 25-9-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 25-9-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại Hàn Quốc, các hãng dược của nước này cũng đang phát triển 11 loại thuốc trị COVID-19 dạng uống, song vẫn sẽ mất nhiều thời gian trước khi thuốc có thể chính thức được tung ra thị trường. Chi phí điều trị nếu dùng thuốc dạng uống được ước tính lên tới hơn 900.000 won (hơn 765 USD). Chính phủ dự định chi trả toàn bộ chi phí này cho người bệnh.

Việc phát triển thành công thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đang được kỳ vọng là điều kiện cần thiết để đưa cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân trở lại bình thường, giảm lo lắng về dịch bệnh, giúp người bệnh dễ dàng điều trị tại nhà.

Hiện 3 hãng dược đi đầu trong phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng uống là MSD và Pfizer (Mỹ), Roche (Thụy Sĩ), đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy thuốc điều trị COVID-19 giúp ngăn tình trạng bệnh tiến triển nặng và rút ngắn thời gian điều trị, song vẫn chưa có báo cáo nào về tính an toàn.

Người dân tập thể dục tại khu vực Cầu Cảng ở thành phố Sydney, Australia ngày 13-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân tập thể dục tại khu vực Cầu Cảng ở thành phố Sydney, Australia ngày 13-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Australia, cuối tuần này, Chính phủ Australia sẽ nhận được khuyến nghị của Cơ quan quản lý sản phẩm điều trị (TGA) về việc có nên công nhận vaccine phòng COVID-19 sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ hay không.

Hiện TGA mới chỉ công nhận các vaccine được sản xuất tại châu Âu, Mỹ và Australia, bao gồm Pfizer, Johnson & Johnson, Moderna và AstraZeneca. Giám đốc TGA - Giáo sư John Skerritt cho biết cơ quan này đang nỗ lực đánh giá các loại vaccine được sản xuất ở nước ngoài, nhưng thông tin về vaccine của Ấn Độ và Trung Quốc còn khá ít so với các loại vaccine mà châu Âu, Bắc Mỹ và Australia đã chấp thuận. TGA đang liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của hai nước này để có thêm thông tin cần thiết.

Chính quyền bang New South Wales của Australia mới đây đã thông báo sẽ đón nhận 500 sinh viên quốc tế trên hai chuyến bay thuê bao vào tháng 12 tới. Để đủ điều kiện tham gia chương trình, các sinh viên này phải được tiêm chủng đầy đủ loại vaccine được TGA chấp thuận.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Apple Valley, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Apple Valley, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27-9, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa và cuối loại thuốc viên kháng virus SARS-CoV-2 dành cho những người có khả năng đã nhiễm bệnh.

Theo giám đốc phụ trách khoa học của Pfizer Mikael Dolsten,  đối phó với virus SARS-CoV-2 đòi hỏi các liệu pháp điều trị hiệu quả đối với những người đã tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2, bổ sung các tác động từ vaccine phòng COVID-19. Từ tháng 3-2020, hãng Pfizer đã bắt đầu phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng viên, có tên PF-07321332, và tiến hành thử nghiệm kết hợp với thuốc Ritonavir, vốn được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát lây nhiễm HIV.

Theo Pfizer, thử nghiệm có sự tham gia của 2.660 người trưởng thành, là những người bắt đầu có triệu chứng bệnh hoặc được xác định mới tiếp xúc với nguồn bệnh. Những tình nguyện viện này sẽ được chỉ định ngẫu nhiên uống thuốc PF-07321332 kết hợp với ritonavir hoặc uống giả dược  2 lần/ngày trong 5 hoặc 10 ngày. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá độ an toàn và hiệu quả của PF-07321332 trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và sự phát triển của các triệu chứng bệnh trong 14 ngày.

Nhiều hãng dược khác đang thử nghiệm các thuốc đường uống hiện có để điều trị COVID-19, song Pfizer là hãng dược đầu tiên bào chế thuốc viên chống virus SARS-CoV-2.  Tuy nhiên, thuốc PF-07321332, nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản, việc dùng thuốc có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 15-2-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 15-2-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 27-9 tại New Zealand, Bộ trưởng phụ trách Ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết mục tiêu mở cửa trở lại biên giới của New Zealand một cách an toàn và xây dựng các phương thức mới để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân sẽ được bắt đầu với chương trình thí điểm tự cách ly.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Hipkins cho biết là một phần của kế hoạch tái kết nối New Zealand với thế giới được công bố vào tháng 8, chương trình thí điểm sẽ xem xét việc tự cách ly ở những người đã được tiêm chủng và chưa từng đến các quốc gia có nguy cơ rất cao. Mục đích của chương trình này là nhằm nghiên cứu một cách thức mới để nhập cảnh New Zealand, cho phép chính phủ xác định các lĩnh vực cần chú trọng hơn để mở rộng phương pháp tiếp cận và cung cấp những thông tin giá trị cho việc đưa ra các lựa chọn trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Hipkins, kế hoạch này nhắm đến đối tượng là doanh nhân, người đi công tác nước ngoài ngắn ngày và tự cách ly tại địa điểm đã được chấp thuận trong 14 ngày kể từ khi về New Zealand. Những người này phải tự cách ly trong một không gian riêng biệt, không dùng chung hệ thống thông gió, cũng như phải chịu sự giám sát và kiểm tra trong thời gian này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 27-9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.661 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 259.000 người.

Số ca mắc mới của toàn khối giảm mạnh trong 24 giờ qua một phần vì hai nước có dịch nghiêm trọng là Philippines và Malaysia không công bố số liệu diễn biến dịch. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận chỉ có trên 1.300 ca bệnh mới, mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Malaysia tình hình dịch bệnh cũng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về diễn biến dịch. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 27-9 ghi nhận thêm trên 10.200 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 101 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 27-9 đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước trong vòng vài tháng tới. Theo kế hoạch, các tỉnh của Thái Lan sẽ mở cửa trở lại theo 4 giai đoạn tùy theo các yếu tố, bao gồm doanh thu du lịch, địa lý và các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 839 bệnh nhân mới và 18 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 259.474 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 412 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên xấp xỉ 112 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10,8 triệu trường hợp.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27-9, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết Chính phủ nước này sẽ phân bổ 9.200 tỷ rupiah (645 triệu USD) từ ngân sách nhà nước năm 2022 để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp điều phối quốc gia năm 2021 của ngành du lịch và kinh tế sáng tạo, Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết khoản ngân sách trên sẽ được sử dụng để phát triển ngành công nghiệp không khói này trên ba khía cạnh, gồm khả năng tiếp cận, điểm tham quan và tiện nghi, xúc tiến và sự tham gia của tư nhân. Bà Sri Mulyani cho biết khoản ngân sách trên bao gồm 6.500 tỷ rupiah chi ngân sách trung ương và 2.800 tỷ rupiah phân bổ cho ngân sách địa phương.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN