Qui hoạch là sự phân định từng vùng cho từng lĩnh vực. Trong nông nghiệp, qui hoạch là phân vùng trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo phát huy, phát triển tốt các lợi thế sẵn có. Trong sản xuất, trong chăn nuôi phát triển đúng qui hoạch cũng chính là đảm bảo nguồn hàng chất lượng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Phát triển đúng qui hoạch còn là bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, qui hoạch cây, con gì cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của mỗi vùng huyện, xã, khu vực đã được bàn thảo rất nhiều. Bởi, nếu cứ thấy cây gì, trái gì, con gì đang “hút hàng” thì mọi nhà, mọi vùng đều tham gia thì điệp khúc “được mùa rớt giá”, “trồng - đốn, đốn - trồng”, “sâu bệnh phát triển nhiều” sẽ tất yếu đi kèm. Giá trị của qui hoạch và phát triển đúng qui hoạch đang dần sáng tỏ, và người dân đã lên tiếng để được thực hiện đúng qui hoạch.
Cử tri xã Long Định (Bình Đại) đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét qui hoạch từng vùng cụ thể chuyên trồng cây ca cao, không trồng tràn lan như hiện nay; đồng thời hướng dẫn biện pháp chăm sóc nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đề nghị tỉnh có biện pháp nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao để nông dân học tập.
Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trả lời: Ngay từ khi triển khai chương trình trồng ca cao tại Bến Tre, Sở đã xác định rõ mục tiêu và định hướng sản xuất. Theo đó, cơ cấu canh tác là chủ yếu trồng xen trong vườn dừa đã định hình ổn định. Địa bàn chủ yếu là các huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Châu Thành. Các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú chỉ trồng xen ở những nơi đã được ngọt hóa và đảm bảo kỹ thuật về canh tác. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hệ thống thủy lợi ở một số nơi chưa hoàn chỉnh nên ở một số nơi vẫn còn bị ảnh hưởng mặn vào mùa nắng. Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tác hại của mặn, hạn cho cây ca cao. Qua thực tế áp dụng và sản xuất đã mang lại hiệu quả tốt nếu các hộ dân quan tâm đầu tư đúng. Và ngược lại, đối với các hộ dân trồng xen trong vườn cây ăn trái có mật độ quá dày, hoặc đào ao nuôi tôm nước mặn quanh năm tại vùng ca cao…, trái với khuyến cáo của cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng không tốt cho sản xuất, cần phải chấn chỉnh ngay.
Đối với việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất (bưởi da xanh, nhãn tiêu da bò, chôm chômVietGAP, GlobalGAP, sản xuất ca cao UTZ, cánh đồng mẫu lúa…) luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và xem đây là giải pháp hết sức quan trọng trong sản xuất, nhằm giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, liên kết với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra, tạo chuỗi giá trị làm gia tăng hiệu quả trong sản xuất. Ngoài ra, trong năm 2013, ngành nông nghiệp còn đang tập trung triển khai tiếp 38 mô hình với hình thức tổ hợp tác, tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới.