Đó là di chúc chính trị, cũng là di
chúc về đạo đức. Chỉ vẻn vẹn trong 57 từ, Bác Hồ đã khái quát yêu cầu bản chất
nhất về đạo đức của cán bộ, đảng viên; và yêu cầu đó là xuất phát từ bản chất
cách mạng của Đảng ta, từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong sự
nghiệp cách mạng.
Theo cách hiểu thông thường, về mặt
chính trị, lãnh đạo và phục vụ là hai phạm trù có nội hàm khác nhau; người lãnh
đạo và người đầy tớ (người phục vụ) cũng có những chức trách không giống nhau.
Thế nhưng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng ra đời từ phong trào cách
mạng của nhân dân, có thiên chức lãnh đạo cuộc cách mạng ấy vì mục đích phục vụ
nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, thì hoàn toàn
không có một bức tường ngăn cách nào giữa nhiệm vụ lãnh đạo và nhiệm vụ phục
vụ.
Ngày 3-3-1951, trong lời kết thúc buổi
lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
“Đảng Lao động Việt Nam là đảng của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân
cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm
tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà:
- Giàu sang không thể quyến
rũ,
- Nghèo khó không thể chuyển
lay,
- Uy lực không thể khuất
phục”.
Bác còn nói: “Nói về người cách mạng và
đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ:
“Hoành my lãnh đối thiên phu
chỉ,
Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”
Xin tạm dịch là:
“Trợn mắt xem khinh nghìn lực
sĩ,
Cúi đầu làm ngựa các nhi
đồng”.
Ý nghĩa của hai câu thơ đó được Bác
giải thích như sau: “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ
thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian
khổ.
“Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân
dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi
dân.
Và Bác kết luận: “Đảng Lao động Việt
Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù
nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu
ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(1).