Phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân

02/03/2009 - 08:36
Bác sĩ Nguyễn Bá Minh - Giám đốc Sở Y tế

Nhân kỷ niệm 54 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-195527-2-2009), bác sĩ Nguyễn Bá Minh – Giám đốc Sở Y tế Bến Tre đã có cuộc trao đổi với phóng viên xoay quanh vấn đề y đức, khám và chữa bệnh, như sau:

- Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 hàng năm, được xem là ngày truyền thống của ngành y tế. Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ, điều mà tôi muốn nhắc nhở đến toàn thể CB-CCVC của ngành y tế tỉnh nhà với lời chân thành nhất là dù công tác ở bất cứ lĩnh vực nào, dự phòng hay điều trị, quản lý hay đào tạo; dù công tác ở tuyến tỉnh hay tuyến cơ sở luôn thực hiện y đức của người cán bộ y tế. Chúng ta nên nhớ không có khó khăn vất vả nào bằng những khó khăn vất vả trong kháng chiến chống giặc xâm lược mà các bậc lão thành đàn anh, đàn chị của chúng ta đã trải qua, nhiều tấm gương hy sinh vì nước quên mình và vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thương, bệnh binh và nhân dân. Chúng ta là những người tự nguyện đi theo cái nghề cao quý này thì phải luôn luôn tâm nguyện làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đó là “Lương y phải như từ mẫu”.

Trong những năm gần đây, ngành y tế đã tập trung đầu tư nhiều vào lĩnh vực khám chữa bệnh, xin giám đốc cho biết vài nét về tình hình nầy?

- Vì mục tiêu cuối cùng của khám chữa bệnh là người bệnh được bình phục nhanh, kéo dài sự sống. Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh lúc nào cũng phải được quan tâm. Chúng tôi đã tiếp cận, học tập, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, y học vào lĩnh vực thăm khám, chẩn đoán, điều trị… nhằm nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho mọi người. Cụ thể là ngành không ngừng quan tâm phát triển mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng nâng cao chất lượng điều trị các bệnh thường gặp tại địa phương; sơ cấp cứu ban đầu; quản lý phòng chống dịch bệnh. Đến nay đã có 144/160 xã, phường, thị trấn có bác sĩ; cơ cấu cán bộ y tế cơ sở tuy còn khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương. Chúng tôi đã tập trung vốn để nâng cấp và phát triển bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện và các bệnh viện chuyên khoa. Hiện tại toàn tỉnh có 178 cơ sở khám chữa bệnh với 2.010 giường bệnh, bình quân có 14,66 giường/10.000 dân; bình quân có 4,57 bác sĩ/10.000 dân. Dự kiến trong quí I/2009 sẽ đưa bệnh viện Tâm thần với 150 giường bệnh và dự kiến cuối năm 2009 tiếp tục hoàn thành bệnh viện Lao với qui mô 100 giường bệnh… đưa vào hoạt động.

Bên cạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị đã được ứng dụng đạt hiệu quả đáng kể; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được mở rộng và đa dạng hóa đã giúp cho người dân rất nhiều trong việc thụ hưởng y học hiện đại, ít tốn kém thời gian, công sức chạy chữa khi phải lên tuyến trên. Tăng cường nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác chuyên môn bằng nhiều loại hình đào tạo như dạng cầm tay chỉ việc, đào tạo tại Trường Trung học Y tế tỉnh, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y Huế gồm cao học, chuyên khoa I, chuyên khoa II, điều dưỡng trung học – đại học và các hình thức đào tạo khác. Nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh với nhiều đề tài nghiên cứu thiết thực có tính ứng dụng cao phục vụ cho chuyên ngành. Song song với việc phát triển hệ thống y tế công, chúng tôi thực hiện hệ thống y tế ngoài công lập góp phần cùng với y tế Nhà nước chăm lo sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn. Tăng cường việc quản lý tốt sức khỏe. Trên cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đã góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa phòng chống dịch bệnh giúp cho việc quản lý, khống chế dịch bệnh ngày một tốt hơn…

Bến Tre là một trong những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2008 đã xảy ra dịch sốt xuất huyết, dịch cúm gia cầm, xin giám đốc cho biết bằng cách nào khống chế được dịch bệnh không lây lan trên diện rộng?

- Nhìn chung, năm 2008 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra một số bệnh truyền nhiễm gây dịch như: sốt xuất huyết, hội chứng tay – chân – miệng, rubella, sốt rét… trong đó ngành đặc biệt quan tâm đến diễn biến tình hình bệnh sốt xuất huyết và cúm gia cầm đã xảy ra rải rác tại một số địa phương, mặc dù chưa lây sang người. Để khống chế bệnh không lây lan trên diện rộng, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch củng cố Ban chỉ đạo chiến dịch từ tỉnh đến huyện, xã... tham mưu UBND chỉ đạo các ngành liên quan tham gia phòng chống dịch, chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện, các bệnh viện, phòng y tế, trạm y tế xã, phường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. Kết hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền trên hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, truyền thanh huyện – xã về tình hình dịch bệnh và cách phòng ngừa; kết hợp Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ trong điều trị chống dịch, tập huấn cho đội cơ động sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra… hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Vấn đề chất thải y tế và vệ sinh môi trường là một trong ba trọng tâm mà Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, ngành y tế đã tham gia như thế nào nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt từ chất thải bệnh viện?

- Đây là vấn đề lãnh đạo Sở Y tế rất quan tâm, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách các đơn vị bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng, phòng y tế, trạm y tế… từ đó các đơn vị tiếp tục tập huấn lại cho toàn thể nhân viên và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn: Tăng cường công tác giám sát, thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý chất thải 2 lần trong năm. Thời gian qua ngành đã tranh thủ được kinh phí của Dự án y tế nông thôn trang bị 6 lò đốt rác thải y tế cho 6 bệnh viện tuyến huyện. Hiện tại ngành đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến thực hiện giai đoạn 2009-2010. Riêng đối với bệnh viện tuyến tỉnh đã có kế hoạch nâng cấp hệ thống xử lý chất thải từ nguồn ngân sách tính.

Xin cám ơn Giám đốc!

 Đối với các chương trình hợp tác quốc tế, ngành y tế Bến Tre đã tiếp nhận và thực hiện một số chương trình có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực của ngành như: dự án y tế nông thôn (ADB), dự án nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới (WB), dự án hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới (WB), dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm tiểu vùng sông Mêkông do ADB… Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, luôn tăng cường công tác theo dõi giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động so với mục tiêu, chỉ tiêu đã được xác định ngay từ đầu. Nhờ có hệ thống tổ chức chặt chẽ nên thời gian qua hoạt động các chương trình nêu trên đạt hiệu quả cao góp phần vào sự phát triển ngành y tế tỉnh nhà.

PV (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN