Phấn đấu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức bình quân 11,03%/năm

29/05/2023 - 05:24

BDK - Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) XI Đảng bộ tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nửa nhiệm kỳ bình quân ước đạt 5,97%, GRDP bình quân đầu người từ 42,3 triệu đồng/người năm 2020 tăng lên 49 triệu đồng/người năm 2022. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan và toàn diện thì kinh tế của tỉnh phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô kinh tế còn thấp, chưa tạo được sự bứt phá để phát triển nhanh, bền vững.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cùng Đoàn công tác Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh đến thăm Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre.  Ảnh: Cẩm Trúc

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cùng Đoàn công tác Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh đến thăm Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre.  Ảnh: Cẩm Trúc

12/17 chỉ tiêu đạt trên 50%

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH XI Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Lĩnh vực kinh tế - xã hội có 12/17 chỉ tiêu đạt trên 50% so với NQ. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt còn thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chưa đạt yêu cầu. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm. Phát triển doanh nghiệp (DN) mới đạt thấp so với chỉ tiêu… nên tỉnh chưa tạo ra nhiều năng lực và giá trị sản xuất mới để tạo thành khâu đột phá.

Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2 năm gần đây sụt giảm khỏi tốp 10. Các chỉ số liên quan khác cũng đạt ở mức thấp và không ổn định. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN chưa thật sự chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả. Hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông KCN, CCN chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm, chi phí cao… đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và hiệu quả xúc tiến, huy động nguồn lực đầu tư.

Tăng trưởng bình quân phải đạt 11,03%/năm 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, để hoàn thành các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, kinh tế của tỉnh phải đạt được mức tăng trưởng bình quân 11,03%/năm và huy động được nguồn lực để đầu tư cho các công trình, dự án, chương trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đây là một khó khăn, thách thức rất lớn đòi hỏi phải có sự đồng lòng, thống nhất cao của các ngành, các cấp trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, với những đầu việc cụ thể, có kết quả và sản phẩm cụ thể.

Công nhân tham gia sản xuất sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Tùng Phát ViNa (xã Hữu Định, huyện Châu Thành). Ảnh: H. TRUNG

Công nhân tham gia sản xuất sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Tùng Phát ViNa (xã Hữu Định, huyện Châu Thành). Ảnh: H. Trung

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới như: Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hành động cao nhất để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân; kiên định mục tiêu đề ra, kiên quyết khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức để việc phối hợp giải quyết các nhiệm vụ được nhanh và hiệu quả hơn.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số.

Phát triển đồng bộ hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghiệp, nhằm thu hút nhiều tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước. Tận dụng các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, tăng số lượng DN thành lập mới, giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động. Hỗ trợ DN nhỏ và vừa tăng dần quy mô, áp dụng các mô hình kinh tế phù hợp. Đặc biệt, thực thi hiệu quả chính sách đặc thù, khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN, DN dẫn đầu trên địa bàn tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và nhu cầu của DN. Đặc biệt, nguồn nhân lực có chất lượng cao và kiến thức chuyên sâu, giúp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho DN phát triển. Phát huy hiệu quả của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh. Kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động, khó khăn và vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động xuất khẩu của DN. Rà soát nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đất đai, môi trường… tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất, kinh doanh. Phát triển hiệu quả kinh tế biển, nhất là gia tăng diện tích nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm đánh bắt thủy sản; thu hút được ít nhất 1 dự án đầu tư nhà máy chế biến tôm. Tất cả các dự án điện gió được cấp phép đầu tư xây dựng hoàn thành, đấu nối vào hệ thống và đi vào vận hành, khai thác.

Tập trung huy động, thu hút nguồn lực đầu tư theo định hướng phát triển, thực hiện phân bổ ngân sách có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Bố trí đầu tư phát triển gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung phân bổ nguồn vốn cho các công trình, dự án, chương trình trọng điểm theo NQĐH. Điều chuyển vốn phù hợp giữa các dự án, với nhu cầu thực tế để tạo sự kết nối liên vùng. Quyết tâm cao nhất để sớm khởi công dự án tuyến đường bộ ven biển.

Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức công bố quy hoạch kết hợp với các hoạt động xúc tiến đầu tư để huy động nguồn lực thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt. Chủ động, tích cực phối hợp thực hiện tốt các hoạt động hợp tác liên kết vùng, tiểu vùng để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, trọng tâm là TP. Hồ Chí Minh, tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.

“Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh tập trung tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, nhất là đối với các dự án điện gió, các dự án phát triển khu đô thị mới và dự án hydro xanh. Tập trung đầu tư hoàn thành hạ tầng KCN Phú Thuận để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Quyết tâm trong năm 2024 phải có nhà máy hoạt động trong KCN Phú Thuận”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

Trần Quốc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN