Thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng

13/01/2010 - 09:11

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 09-12-2009 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 138/2009/QĐ-TTg về tổ chức, tên gọi, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (quyết định có hiệu lực từ ngày 1-2-2010). Theo đó:

1. Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng có tên gọi là Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).
2. Văn phòng Ban Chỉ đạo (VP.BCĐ) cấp tỉnh hoạt động theo chế độ chuyên trách, có chức năng tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) và Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Trưởng BCĐ cấp tỉnh), có trách nhiệm tổ chức phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
3. VP.BCĐ cấp tỉnh được sử dụng con dấu riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Về nhiệm vụ của VP.BCĐ cấp tỉnh:
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) để xây dựng, trình Trưởng BCĐ cấp tỉnh chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác PCTN của BCĐ cấp tỉnh theo định kỳ hàng tháng, ba tháng, sáu tháng, hàng năm.
Xây dựng, trình Ban Chỉ đạo, Trưởng BCĐ cấp tỉnh các báo cáo định kỳ, đột xuất với Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh và BCĐ Trung ương về PCTN theo chức năng, nhiệm vụ của BCĐ cấp tỉnh về tình hình, kết quả công tác PCTN ở địa phương và hoạt động của BCĐ cấp tỉnh.
Chuẩn bị nội dung, tổ chức và phục vụ các cuộc họp, làm việc của BCĐ, Trưởng BCĐ cấp tỉnh; thông báo ý kiến chỉ đạo, kết luận của BCĐ, Trưởng BCĐ cấp tỉnh và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Nghiên cứu, đề xuất BCĐ, Trưởng BCĐ cấp tỉnh các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh.
Tham mưu, giúp BCĐ, Trưởng BCĐ cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định tại các Điều 4,5,14 Nghị quyết 294A/2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ của BCĐ và VP.BCĐ cấp tỉnh.
Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao; bảo đảm các điều kiện vật chất và kỹ thuật cho hoạt động của BCĐ và Trưởng BCĐ cấp tỉnh.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do BCĐ, Trưởng BCĐ giao.
5. Về chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của VP.BCĐ cấp tỉnh:
VP.BCĐ cấp tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng, kết hợp với chế độ chuyên viên, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ.
Họp giao ban hàng tuần; định kỳ hàng tháng, ba tháng, sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình hoạt động của VP.BCĐ với BCĐ, Trưởng BCĐ cấp tỉnh.
Chánh VP.BCĐ cấp tỉnh được mời tham dự các cuộc họp của HĐND, UBND cấp tỉnh và các cuộc họp, làm việc của HĐND, UBND với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân về những nội dung liên quan đến công tác PCTN tại địa phương.
VP.BCĐ cấp tỉnh được mời dự họp và nhận tài liệu như một đầu mối trực thuộc tỉnh; được BCĐ cấp tỉnh ủy quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tham nhũng và kết quả công tác PCTN tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định; được ủy quyền yêu cầu thông báo việc xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cụ thể; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về tham nhũng.
Phối hợp với Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, các Sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh, UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn để trao đổi thông tin, theo dõi, đôn đốc công tác PCTN trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị này và một số hoạt động phối hợp liên quan khác theo yêu cầu của công tác PCTN.
Phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND và Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tham nhũng, công tác PCTN.
6. Về tổ chức của VP.BCĐ cấp tỉnh:
VP.BCĐ cấp tỉnh có Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng. Một số tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương nếu xét thấy cần thiết có thể bố trí hai Phó Chánh Văn phòng.
Phó Trưởng BCĐ cấp tỉnh kiêm nhiệm Chánh VP.BCĐ cấp tỉnh; Chánh VP.BCĐ cấp tỉnh là người đứng đầu VP.BCĐ cấp tỉnh, quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước BCĐ và Trưởng BCĐ cấp tỉnh về mọi hoạt động của VP.BCĐ cấp tỉnh.
Phó Chánh VP.BCĐ cấp tỉnh tương đương cấp Phó giám đốc sở; giúp Chánh Văn phòng thực hiện một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Biên chế hành chính của VP.BCĐ số lượng không quá năm cán bộ, chuyên viên, ở một số tỉnh, thành phố lớn có thể nhiều hơn nhưng không quá mười cán bộ, chuyên viên (không gồm Phó Trưởng BCĐ cấp tỉnh) và bố trí nhân viên phục vụ theo yêu cầu công tác của VP.BCĐ cấp tỉnh.

H. VỌNG (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN