Các công trình cống góp phần ứng phó hiệu quả hơn tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra gay gắt.
Giúp ngăn mặn, trữ ngọt
Các năm trước, 7.000m2 đất trồng lúa của anh Nguyễn Văn Phong, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri chỉ làm 2 vụ lúa, riêng vụ lúa Đông Xuân không gieo sạ do ảnh hưởng của hạn mặn. Năm nay, khi cống Trung Nhuận (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) hoàn thành đưa vào vận hành kết hợp với các công trình cống khác tạo khép kín một phần khu vực huyện Giồng Trôm và Ba Tri với diện tích hơn 12.000ha, đã giúp cho ruộng của anh Phong và bà con trong khu vực xã Mỹ Hòa có đủ nước ngọt để sản xuất.
Anh Phong cho rằng, mỗi năm gieo sạ 2 vụ, thu hoạch hơn 6 tấn lúa. Làm thêm vụ Đông Xuân (đây là vụ thuận để sản xuất lúa), năng suất đạt hơn 600kg/1.000m2. Năm nay, 7.000m2 đất của anh Phong cho thu hoạch hơn 10 tấn lúa. Từ đó giúp nông dân có thêm chi phí để trang trải cuộc sống. Anh Phong chia sẻ, khi có hệ thống công trình hoàn chỉnh giúp ngăn mặn, trữ ngọt, nông dân an tâm phấn khởi hơn vì thời điểm hạn mặn xảy ra nông dân vẫn sản xuất được. Bên cạnh đó, bảo vệ được đất không bị nhiễm mặn thuận lợi gieo sạ trong các mùa vụ tiếp theo. Tuy nhiên, anh Phong mong muốn ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trong vận hành khai thác các công trình thủy lợi để tránh trường hợp bị ô nhiễm nguồn nước khi thời gian đóng cống kéo dài.
Theo ông Phan Hoàng Tân, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, mỗi năm đến mùa hạn mặn, ông Tân tốn chi phí hơn 100 triệu đồng để mua nước ngọt tưới cho 3,5ha vườn trồng sầu riêng của gia đình, mỗi ngày tốn gần 100m3 nước tưới cho cây, với giá nước có khi lên đến hơn 150 ngàn đồng/m3. Riêng năm nay, hệ thống cống khu vực xã Tân Phú hoàn chỉnh, vận hành kịp thời trữ nước ngọt để cho người dân an tâm sản xuất. Ông Tân cho biết, giai đoạn hiện nay, cây sầu riêng đang cho trái cần rất nhiều nước để nuôi trái. Bên cạnh đó, cây sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn. Độ mặn 1%o đã làm cho cây bị ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí làm chết cây. Cho nên, các công trình cống ngăn mặn kịp thời xây dựng đưa vào sử dụng giúp nông dân giảm chi phí rất lớn trong sản xuất. Nông dân có thể lấy nước ngọt trữ lại trong mương vườn để tưới cho cây, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tưới tiết kiệm nước, sẽ giúp nông dân giảm chi phí, vườn cây được chăm sóc tốt trong mùa hạn mặn. Từ đó thu nhập của nông dân sẽ tăng lên.
Hệ thống ngăn mặn hiệu quả giúp người dân an tâm sản xuất.
Chủ động ứng phó
Phó giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hồ Ngọc Hậu cho hay, hiện công ty quản lý vận hành hơn 200 công trình cống thủy lợi tại tỉnh. Để mang lại hiệu quả tốt nhất trong quá trình vận hành khai thác, công ty phối hợp với các địa phương xây dựng lịch vận hành mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện một số nơi khu vực ngoài cống độ mặn tăng 2%o, tuy nhiên trước đó công ty đã chủ động trữ nước độ mặn bên trong cống 0,6%o, với độ mặn này đảm bảo cho người dân sản xuất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhờ có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh tại địa bàn huyện Giồng Trôm, Ba Tri tạo điều kiện cho công ty tổ chức vận hành đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ cho hơn 500ha lúa Đông Xuân tại huyện Ba Tri đang trong giai đoạn làm đòng và sắp thu hoạch.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, các giải pháp công trình cống ngăn mặn, điều tiết nước phục vụ ứng phó hạn mặn đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp bảo vệ hàng ngàn ha đất sản xuất. Khu vực bên trong các công trình ngăn mặn đã chủ động trữ nước ngọt phục vụ cho đời sống, sản xuất của người dân. Do vậy, ảnh hưởng hạn mặn đến cây trồng năm nay sẽ giảm hơn so với các năm trước. Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn trong năm nay, có biện pháp chặt chẽ, khả năng ứng phó tốt hơn so với các năm trước.
Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình nhằm ứng phó hiệu quả hơn tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra gay gắt. Ngoài ra, ngành chức năng tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp ứng phó, tích trữ nước ngọt để sản xuất, sinh hoạt. Khi đó, kết hợp các giải pháp công trình ngăn mặn của tỉnh sẽ giúp người dân giảm thiểu thiệt hại, rủi ro khi hạn mặn kéo dài.
Bài, ảnh: Huỳnh Phúc