Phát huy hiệu quả mô hình “Nông dân dạy nông dân”

23/01/2019 - 09:16

BDK - Dự án AMD Bến Tre thực hiện tại 30 xã thuộc 8 huyện của tỉnh. Năm 2018, Ban Điều phối dự án đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Nông dân dạy nông dân” và đã triển khai hội thảo tuyển chọn nông dân giỏi thuộc các xã vùng Dự án AMD Bến Tre; tập huấn kiến thức sư phạm cho nông dân giỏi và thực hành chia sẻ kinh nghiệm nông dân dạy nông dân.

Nông dân Mỹ An (Thạnh Phú) tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng.  Ảnh: Tiến Vũ

Nông dân Mỹ An (Thạnh Phú) tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng.  Ảnh: Tiến Vũ

Từ khi thực hiện, dự án đã triển khai hầu hết các hoạt động, bước đầu đạt kết quả khả quan. Ban Điều phối dự án đã phân cấp và phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 8 hội thảo chuyên đề về mô hình, xây dựng quy chế quản lý Quỹ vật tư xoay vòng; bình chọn và giới thiệu nông dân giỏi trong tỉnh đối với 6 nhóm là nuôi dê, cá, tôm, cá nâu, rau màu, hoa kiểng. Qua đó, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tuyển chọn 100 nông dân giỏi tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng. Kết hợp lý thuyết, thực hành cho nông dân gồm 3 nhóm: giảng viên đưa vấn đề thảo luận theo nhóm sau đó đại diện nhóm trình bày kết quả của nhóm, giảng viên hướng dẫn thảo luận đúc kết, rút kinh nghiệm.

Hoạt động hỗ trợ thử nghiệm là khâu được đánh giá khá quan trọng trong thực hiện mô hình. Hoạt động này dựa trên sự hợp tác giữa nông dân với nhau thông qua loại hình Tổ nông dân hoạt động theo Nghị định số 151 của Chính phủ, Quy chế quản lý vật tư xoay vòng. Trong đó, Tổ nông dân phải thành lập theo Nghị định số 151, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có cam kết chấp hành Quy chế quản lý vật tư xoay vòng; có sự phối hợp hỗ trợ nhau và có ít nhất 30% nông dân tham gia là hộ nghèo, cận nghèo. Trên cơ sở đề xuất, mức hỗ trợ áp dụng theo quy định của Quy chế quản lý vật tư xoay vòng, hỗ trợ 70% chi phí thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, mỗi hộ được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng nhưng không quá 100 triệu đồng/tổ và được thu hồi để tiếp tục hỗ trợ cho các chu kỳ sau. Hiện Dự án đã xem xét và giải ngân hỗ trợ cho 4 tổ nông dân hoạt động theo Nghị định số 151 gồm các xã Bảo Thạnh (Ba Tri), Mỹ An (Thạnh Phú), Lương Phú, Hưng Lễ (Giồng Trôm) với 44 hộ tham gia.    

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú cho biết, Mỹ An là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Phần đông nông dân chăn nuôi theo quy mô nhỏ, chăn nuôi hộ gia đình. Từ đó, Hội Nông dân xã vận động bà con vào tổ hợp tác (THT) theo Nghị định  số 151 của Chính phủ nhằm trao đổi kiến thức trong trồng trọt và chăn nuôi, đảm bảo việc bán sản phẩm của bà con không bị thương lái ép giá, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, góp phần nâng cao thu nhập của bà con nông dân.

 Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác cũ, nhỏ lẻ. Kết quả trên địa bàn xã đã thành lập được 10 THT nuôi bò, nuôi tôm, bó chổi và 1 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, có 1 tổ nuôi tôm càng xanh trên địa bàn ấp Thạnh Mỹ có 6 thành viên được thành lập vào năm 2013. Thời gian qua, tổ hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên đầu ra sản phẩm chưa có, không có nguồn vốn mở rộng quy mô, chưa được tiếp cận kiến thức mới trong việc nuôi tôm càng xanh toàn đực. Sau khi triển khai mô hình “Nông dân dạy nông dân”, Hội Nông dân xã đã củng cố lại THT nuôi tôm càng xanh ấp Thạnh Mỹ. Nhờ đó, một số thành viên của tổ nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao, làm gương điển hình nhân rộng, số lượng thành viên của tổ tăng lên 4 thành viên, nâng tổng số hiện nay là 10 thành viên.

“Để mô hình đạt hiệu quả trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của THT; đồng thời, kiến nghị Dự án AMD Bến Tre tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm, bó chổi trên địa bàn xã và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các thành viên trong mô hình” - bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cho biết.

Phó giám đốc Ban Điều phối Dự án AMD Bến Tre Nguyễn Hoài Nam cho biết, năm 2019, Dự án AMD bố trí khoảng 5 tỷ đồng để hỗ trợ các xã thực hiện mô hình này, mức hỗ trợ khoảng 6 - 7 triệu đồng/hộ, không quá 70 triệu đồng/tổ. Thông qua đây, nông dân có điều kiện hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với nhau, có sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện tốt hơn mô hình sinh kế, thoát nghèo. Dự án sẽ kiến nghị với IFAD, UBND tỉnh cho mở rộng ngoài 30 xã vùng dự án.

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN