Mô hình nuôi heo rừng sinh sản tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành do Dự án AMD hỗ trợ vốn (ảnh minh họa). Ảnh: CTV
Nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ một công nhân làm thuê tại TP. Hồ Chí Minh, chị Lê Hồng Trọn, xã Lương Phú đã hình thành ý tưởng và quyết định thành lập nhóm may, tạo việc làm cho chị em lao động nghèo tại quê nhà. Chị Trọn cho biết, mặc dù may gia công tại nhà không phải là một nghề mới đối với người lao động nông thôn, nhưng với lý do nguồn hàng dồi dào, lại dễ làm, phù hợp với điều kiện sức khỏe của nhiều chị em phụ nữ, nên hiện tại mô hình vẫn đang phát huy hiệu quả và ngày càng nhân rộng.
Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, tích lũy nguồn vốn, đồng thời được sự tiếp sức của gia đình, chị mạnh dạn đầu tư 3 máy may và nhận gia công quần áo cho một công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Quyết định này đã giúp chị kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, đồng thời có thể chăm sóc 2 đứa con nhỏ và thỏa được niềm đam mê với ngành thiết kế thời trang của mình. Những mặt hàng chị nhận gia công chủ yếu gồm: đồ bộ, đầm, quần, áo Jean… Với uy tín, lòng yêu nghề, lại là người cẩn thận, chăm chỉ, đồng thời có kinh nghiệm hơn 10 năm may gia công, do vậy nguồn hàng nhận về ngày càng nhiều. Thấy chị em phụ nữ trong xóm còn thời gian nhàn rỗi, chị đã thành lập nhóm may tạo việc làm, tăng thu nhập, hạn chế tình trạng các chị phải đi làm ăn xa.
Nhằm đầu tư mua thêm máy may và trang thiết bị từng bước hoàn thiện dây chuyền sản xuất đáp ứng yêu cầu hiện nay, Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ nhóm may gia công với tổng số tiền 19 triệu đồng. Chị Trọn cho biết, sự hỗ trợ của dự án đã giúp nhóm có thể mở rộng sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, không phải thuê gia công ở nơi khác và tăng thêm thu nhập, giảm thời gian thực hiện công đoạn, giúp giao hàng nhanh hơn, tăng số lượng hàng gia công. Do vậy, nhóm có thể nhận số lượng hàng lớn cùng một chuyến, giúp giảm chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, nhờ máy móc mới, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng như đường may đẹp, ít lỗi, giao hàng đúng hẹn, vì vậy, uy tín của nhóm ngày càng cao, hàng nhận thường xuyên và ổn định hơn. Hiện nay, lượng hàng trung bình mỗi tháng đạt 15 ngàn sản phẩm.
Từ 3 lao động ban đầu, đến nay, nhóm đã mở rộng tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho 13 thành viên, trong đó có 4 thành viên thuộc diện nghèo. Thu nhập trung bình của mỗi thành viên hơn 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các thành viên nhóm còn được hưởng tiền tăng ca, chuyên cần, tiền xăng… Theo chị Nguyễn Thị Thanh Gương - ấp 2, xã Phước Long, tham gia nhóm may gia công vừa để cải thiện thu nhập cho gia đình, vừa có điều kiện trau dồi kỹ năng, tay nghề mà mình yêu thích. Hàng may được tính theo sản phẩm, do vậy không phải bó buộc về thời gian, nên chị em có điều kiện chăm lo cho gia đình, nhưng vẫn có thêm thu nhập ổn định.
Chị Dương Thị Lắm, xã Lương Phú cũng cho biết, từ khi tham gia nhóm may gia công, thu nhập của gia đình luôn ở mức hơn 4 triệu đồng/tháng. So với làm thuê hoặc chăn nuôi thì ít rủi ro mà thu nhập ổn định hơn. Bên cạnh đó, với mức lương hàng tháng, bản thân chị cũng có thêm nguồn vốn để chăn nuôi thêm, cải thiện kinh tế gia đình.
Để các thành viên nghèo có thu nhập bền vững, nhóm may gia công đã lập “Quỹ tương trợ giúp nhau thoát nghèo”. Mỗi tháng một thành viên đóng góp 100 ngàn đồng. Số tiền này dùng hỗ trợ cho các thành viên mượn chăn nuôi thêm, hoặc đầu tư vào trồng trọt góp phần tăng thu nhập. Đồng thời, trích từ lợi nhuận lập Quỹ hoạt động nhóm, mỗi tháng 50 ngàn đồng.
Thời gian tới, Dự án AMD Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo, dạy nghề hướng dẫn cho nhóm tham dự các lớp tập huấn về lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hạch toán kinh tế để quản lý tốt mô hình hiện tại và phát triển trong tương lai. Đồng thời, tổ chức kết nối thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp để liên kết hợp đồng thêm đơn hàng.
Ngọc Diệp