Ngọn lửa của phong trào Đồng Khởi xứ Dừa từ 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày) bùng lên, rồi lan rộng cả huyện, cả tỉnh, cả miền Nam. Đuốc lá dừa là hoa lửa, tiếng trống, tiếng mõ là hiệu lệnh tiến công. Ánh sáng Nghị quyết 15 của Đảng Cộng sản Việt Nam là niềm tin, sức mạnh thôi thúc toàn dân đồng tâm, hiệp lực, đồng loạt nổi dậy đấu tranh diệt ác, phá kìm. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam tỏa sáng, sức mạnh quần chúng cách mạng là vô biên, vô tận. Tiếng mõ, tiếng trống của một thời hoa lửa vinh quang ấy còn vang vọng đến hôm nay!
Đón chào mùa xuân Nhâm Thìn 2012, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre thêm tự hào với tên gọi quê hương Đồng Khởi, bởi mùa xuân Đồng Khởi năm 1960 mà Bến Tre là “ngọn đuốc” đi đầu đã trở thành giá trị tinh thần, nền tảng văn hóa bền vững tạo nên động lực và sức mạnh cho con người Bến Tre hôm nay tựa vào lịch sử oai hùng để vươn lên xây dựng quê hương giàu, mạnh trong thế trận mới - thế trận phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước, thực hiện Chiến lược Biển, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
Bài học từ phong trào Đồng Khởi năm xưa đến nay còn nguyên giá trị. Đó là bài học tạo lực và hợp lực để tạo nên sức mạnh vô bờ khi ý Đảng, lòng dân hòa hợp; đó là sự linh hoạt, sáng tạo trong chủ động xác định và nắm vững thời cơ để hành động có hiệu quả, là tạo thế tiến công, tiến công liên tục. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong phong trào Đồng Khởi năm xưa đã trở thành phương pháp cách mạng trong triển khai các chương trình hành động, đề án cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2012.
Ngày 17-1 năm nay, nhằm ngày 24 tháng Chạp năm Tân Mão là thời điểm lịch sử trọng đại của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre kỷ niệm 52 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi. Mừng Đảng quang vinh 82 tuổi, mừng xuân mới Nhâm Thìn! Khí thế xuân Đồng Khởi năm xưa trỗi dậy niềm tin và khát vọng vượt lên những khó khăn, thách thức để Bến Tre vươn lên dành nhiều thắng lợi trong sự vận động chuyển mình đi lên của cả đất nước.
Có một qui luật mà các nhà khoa học đã khái quát. Những sự kiện trọng đại, những thắng lợi to lớn của cách mạng thường gắn với mùa xuân. Mùa xuân thành lập Đảng năm 1930, mùa xuân tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, mùa xuân đại thắng năm 1975. Trong nhiều mùa xuân thắng lợi của cả dân tộc, có mùa xuân phong trào Đồng Khởi của quân, dân Bến Tre năm 1960. Phương châm “Hai chân, ba mũi” trong phong trào Đồng Khởi năm xưa đã và tiếp tục là cẩm nang để giải quyết, hoạch định chiến lược cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thế trận hôm nay. Xưa, khẩu hiệu của cách mạng là “Độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày”. Đất nước hôm nay đã độc lập, tự do vững bước đi lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài 10, 20 năm nữa là phải hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó người nông dân là chủ thể tạo nên sức mạnh để làm thay đổi căn bản diện mạo không gian sống và tính chất nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Đường giao thông xã, liên xã, liên ấp sẽ được qui hoạch lại và nâng cấp, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, thông tin liên lạc, chợ nông thôn hướng tới đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh khu trung tâm chính trị - hành chính, địa phương sẽ là không gian tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, tiếp cận kỹ thuật, công nghệ cao và nối kết thị trường tiêu thụ.
Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng toàn diện với phương châm hàng đầu là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; Nhà nước giữ vai trò định hướng và hỗ trợ. Đảng ta đã xác định: CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH-HĐH đất nước. Đặt vị trí và quyền lợi người dân là trung tâm hướng tới của mọi chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương chính là sự cụ thể hóa quá trình đổi mới của Nhà nước theo hướng ngày càng bám sát tính chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre năm 1960 là biểu hiện sinh động của nghệ thuật chiến tranh nhân dân theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Tận dụng và phát huy hiệu quả các yếu tố lực, thế, thời, mưu trong giai đoạn cách mạng hiện nay để “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là phương pháp cách mạng tiếp cận và xử lý mọi tình huống đặt ra trong thực tiễn. Lực là mọi nguồn lực được huy động, trong đó quan trọng nhất là nguồn lực con người và những giá trị văn hóa, lịch sử đã được hun đúc, thử thách qua thời gian. Tinh thần ngọn lửa Đồng Khởi mang giá trị như động lực để mọi người, mọi tầng lớp bền gan tiến tới khi bước vào vận hội xây dựng NTM trong điều kiện đổi mới để phát triển, hội nhập quốc tế. Trong nền sản xuất nông nghiệp của địa phương hiện nay đã xuất hiện và cần nhân rộng hiệu quả hợp lực của mô hình “4 nhà”. Nhà nước định hướng chiến lược, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học - công nghệ, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch và nối kết để doanh nghiệp đồng hành cùng bà con nông dân trong tiêu thụ sản phẩm. Quá trình hợp lực “4 nhà” chặt chẽ không chỉ khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước mà người nông dân cũng nhận thức qui luật phải hợp tác, phải cần chuyên gia giỏi để làm ăn hiệu quả, bền lâu. Nhờ hợp lực mà hai mũi nhọn kinh tế vườn và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình chuyên canh, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; tập trung khai thác và phát triển sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản. Tạo dựng và bảo vệ uy tín thương hiệu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và qui trình sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng của Nhà nước (VietGap) và quốc tế (GlobalGap, MSC…) đã và đang là xu hướng chung của các chủ trang trại, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Bến Tre.
Ngày xưa, các bậc cha anh trong phong trào Đồng Khởi đánh giặc bằng nhiệt tình cách mạng, bằng mưu lược, đánh giặc trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, binh vận, ngoại giao. Quần chúng một lòng theo Đảng, bất chấp hiểm nguy, đoàn kết, đồng tâm tạo nên thế tiến công, tiến công liên tục cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Tình hình biến động, khủng hoảng tài chính của nhiều nước trên thế giới còn diễn biến phức tạp; bản thân nền kinh tế trong nước đang trong giai đoạn tái cấu trúc mô hình tăng trưởng. Tỷ lệ lực lượng lao động nông nghiệp qua đào tạo tại địa phương còn hạn chế, tình trạng liền canh, liền cư còn nhiều, thói quen sản xuất nhỏ, lẻ cần phải được thay đổi sang tác phong công nghiệp trong thời gian tiến hành xây dựng NTM.
Năm 2012 là năm cả tỉnh tập trung cho công tác qui hoạch và triển khai thực hiện qui hoạch xã NTM. Công việc cần tập trung thực hiện đầu tiên là tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bồi dưỡng đào tạo cán bộ; việc thực hiện các tiêu chí NTM phải đồng bộ, gắn liền với các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, giao thông… để tạo nên sức mạnh và hiệu quả hợp lực. Cuộc Đồng Khởi mới trên lĩnh vực xây dựng NTM là thực hiện các tiêu chí theo chuẩn quốc gia trên cơ sở qui hoạch, có chiến lược trong sản xuất và tiêu thụ nông sản để tăng nhanh hiệu quả kinh tế và phát triển tư duy về chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế là trọng tâm hướng đến không ngừng tăng nâng cao mức sống người dân, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo nguồn vốn tích lũy để đầu tư thực hiện qui hoạch hạ tầng cơ sở kỹ thuật theo các tiêu chí xây dựng NTM.
Ngọn lửa và khí thế Đồng Khởi thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Bến Tre quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược “Tam nông” của Đảng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hoạch định của Nhà nước. Thiết thực kỷ niệm 52 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi (17-1-2012) Tỉnh ủy, UBND tỉnh long trọng tổ chức mít-tinh mừng Đảng, mừng xuân Nhâm Thìn và phát động phong trào thi đua yêu nước xây dựng NTM.
Tinh thần Đồng Khởi bất diệt!.