Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973 - 27-1-2023)

Phát huy tinh thần Hội nghị Paris trên mặt trận đối ngoại trong giai đoạn hiện nay

27/01/2023 - 05:32

BDK - Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại của thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi toàn diện trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao. Một trong những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta là tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973, cách nay vừa tròn 50 năm.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris ngày 13-5-1968, tại phòng họp Trung tâm các Hội nghị quốc tế (đường Kleber, Paris, Cộng hòa Pháp). Nguồn: TTLTQG III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242. Hình ảnh tại triển lãm “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris ngày 13-5-1968, tại phòng họp Trung tâm các Hội nghị quốc tế (đường Kleber, Paris, Cộng hòa Pháp). Nguồn: TTLTQG III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242. Hình ảnh tại triển lãm “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”.

Mỹ tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự

Với âm mưu xâm chiếm nước ta lâu dài cho nên ngay từ cuối những năm 1940, khi mà thực dân Pháp ngày càng suy yếu, Mỹ chính thức can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương, bằng cách chi viện ngày càng nhiều cho thực dân Pháp ở Đông Dương, lần thứ nhất, giai đoạn 1945 - 1954. Trải qua 6 đời Tổng thống Mỹ kế tiếp các nhiệm kỳ đã can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, kể từ thời Tổng thống H.Tơruman đến G.Pho.

Sau khi Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, Mỹ chính thức thay chân Pháp đưa quân vào xâm lược nước ta, với âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài, lần lượt tiến hành nhiều chiến lược quân sự như “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến lược chiến tranh cục bộ”, “Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”... với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, kể cả chất độc hóa học, với khoản tiền hàng tỷ đô-la đổ vào chiến tranh Việt Nam. Từ đầu những năm 1960, Mỹ liên tục đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, đỉnh điểm năm 1968 hơn nửa triệu quân Mỹ có mặt tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Tiếp theo sự kiện Mỹ xâm nhập đánh phá vịnh Bắc Bộ tháng 8-1964, đã leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam, chủ yếu bằng không quân và hải quân. Nhưng càng đánh, Mỹ càng sa lầy, tổn thất ngày càng lớn cả người và của. Chính quyền Mỹ thông qua nhiều nước, nhiều nhân vật có ảnh hưởng đến chiến tranh Việt Nam để tìm kiếm giải pháp hòa bình trên thế thắng nhưng hoàn toàn không mang lại kết quả.

Với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, quân và dân ta kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh, không nề gian khổ, quyết đánh bại quân Mỹ xâm lược. Đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh giành thắng lợi trên mặt trận quân sự trên chiến trường, Đảng, Nhà nước ta càng chú trọng nâng cao vị thế và vai trò quan trọng đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Khi Mỹ bắt đầu chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ leo thang đánh phá miền Bắc, Đảng ta đã đề ra những điều cơ bản làm cơ sở cho đàm phán: “Nhân dân miền Nam Việt Nam anh hùng, kiên quyết đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất đất nước”... Tiếp theo các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như Nghị quyết số 12/1965, Nghị quyết số 13 (tháng 1-1967), Nghị quyết số 14 (tháng 1-1968), đều nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của đấu tranh trên mặt trận ngoại giao trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và mở đường cho Mỹ bước vào thương lượng theo hướng có lợi cho ta.

Đặc biệt là thắng lợi của quân và dân ta trong Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở toàn miền Nam Tết Mậu Thân 1968, vào các cơ quan đầu não của Mỹ ngụy, đánh sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong tình hình đó, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã tuyên bố: “Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự””. Ngày 30-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Sau đó, hai bên thỏa thuận, thống nhất địa điểm họp ở Paris theo ý kiến của Việt Nam.

Ký Hiệp định Paris

Hội nghị Paris là hội nghị kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao trên thế giới, từ ngày 13-5-1968 đến 27-1-1973 - ngày ký kết Hiệp định Paris. Tổng thời gian là 4 năm 8 tháng 16 ngày, gần 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trên khắp thế giới. Trong quá trình đàm phán, nhiều lần Mỹ muốn phá hoại Hội nghị Paris, dùng sức ép trên mặt trận quân sự để ép ta ký hiệp định theo những điều khoản của Mỹ đưa ra. Do bất đồng quan điểm giữa hai bên kéo dài, ngày 24-3-1972, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn. Lập tức ngày 30-3-1972, quân và dân miền Nam mở cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè, đánh địch trên 5 mặt trận lớn từ Trị Thiên đến đồng bằng sông Cửu Long, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của chính quyền Nixon. Thắng lợi cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị và ngoại giao, đến ngày 13-7-1972, Mỹ chấp nhận họp lại hội nghị toàn thể bốn bên ở Paris.

Sau nhiều vòng đàm phán, ngày 20-10-1972, hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng dự kiến ký hiệp định ngày 31-10-1972. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tuyên bố “hòa bình trong tầm tay”, nhưng ngay sau khi Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, phía Mỹ một lần nữa đề nghị tạm hoãn việc ký hiệp định và đề nghị sửa 29 điểm trong văn bản thỏa thuận ngày 20-10-1972; đồng thời chính quyền Nixon tổ chức chiến dịch đánh phá bằng máy bay B52 với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh không quân và tuyên bố “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, nhằm ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận điều kiện của Mỹ tại bàn đàm phán Paris. Quân và dân ta đã kiên cường đánh trả, đập tan cuộc không kích 12 ngày đêm của Mỹ, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Bị thất bại nặng nề, ngày 30-12-1972, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris. Ngày 8-1-1973, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris, ngày 13-1-1973, các bên hoàn thành văn bản hiệp định. Ngày 27-1-1973, Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Nguyễn Thị Bình (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam), W. Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Văn Lắm (chính quyền Sài Gòn) đã chính thức ký Hiệp định Paris và chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 nghị định thư liên quan. Ngày 28-1-1973 ngừng bắn trên toàn miền Nam. Hiệp định Paris chính thức thi hành, với 4 điều khoản: (1) Về chính trị: Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. (2) Về quân sự: Ngừng bắn, Hoa Kỳ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền Bắc; nhận trách nhiệm tháo gỡ bom mìn do Hoa Kỳ đã rải ở miền Bắc. (3) Về nội bộ miền Nam: Nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để tổ chức tổng tuyển cử. (4) Các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định Paris buộc Mỹ rút khỏi Việt Nam và mở đường sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.

Phát huy thắng lợi Hội nghị Paris

Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Đảng ta, tạo thế và lực mới mở đường đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi, giành lại độc lập, thống nhất đất nước.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay, đó là: (1) Bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị, quân sự tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi; (2) Vận dụng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh, chủ động tấn công ngoại giao; (3) Đó là bài học về đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; (4) Đó là bài học về xây dựng lực lượng trên mặt trận ngoại giao; đó còn là bài học về tầm quan trọng của thực lực cách mạng...

Vận dụng và phát huy thắng lợi Hội nghị Paris, 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, ta giành nhiều thành tựu trong đối ngoại, ngoại giao. Ta phá thế bao vây, cấm vận, tạo dựng và củng cố ngày càng mở rộng mặt trận đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới; tạo môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế - xã hội; đối ngoại giữ vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm vào việc giữ gìn hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Những thành quả trên mặt trận đối ngoại, ngoại giao đã góp phần quan trọng vào thành tựu của 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Phát huy tinh thần Hội nghị Paris, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Để xứng đáng với các thế hệ cha anh, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay cần nêu gương, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện đạo đức cách mạng của người cộng sản. Nói và hành động có trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng ta đã đề ra, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cao Văn Dũng

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN