Từ kết nối tri thức gắn
với thực tiễn
Có dịp được “dự thính” giờ hoạt động ngoại khóa của Trường
Phổ thông Hermann Gmeiner, chúng tôi phần nào cảm nhận được không khí sôi động,
sự hào hứng, thích thú của các em học
sinh (HS). Mỗi em một nhiệm vụ, một vai diễn, ai cũng cố gắng hoàn thành những
tiết mục văn nghệ mà thầy trò nhà trường dàn dựng. Em Nguyễn Hữu Khang, HS lớp
11/1 vào vai người bán hàng rong trước cổng trường trong vở “Từ nay xin chừa”,
cho biết: “Các món ăn vặt mà HS chúng em thích có giá chỉ từ 3 - 5 ngàn đồng,
cao nhất là 10 ngàn đồng nhưng chất lượng vệ sinh lại kém. Mấy món như xiên
que, cóc, ổi, me ngâm… bán trước cổng trường mà chúng em thường ăn toàn có hóa
chất, vậy mà em đâu biết, cứ vô tư đưa vào miệng. Từ nay em sẽ cẩn trọng hơn
trong việc ăn uống!”.
Trường THCS Huỳnh
Tấn Phát (Bình Đại) cũng tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo
dục đạo đức (GDĐĐ) HS. Thầy Phùng Văn Cho - Hiệu trưởng cho biết: GDĐĐ không chỉ
được thực hiện ở các hoạt động ngoại khóa hay những tiết học văn hóa mà qua các
trò chơi, các câu lạc bộ cũng là cách để giúp HS hình thành kỹ năng sống. Cụ thể,
trong những tiết học thể dục, ngoài phần kiến thức cơ bản, giáo viên sẽ lồng
ghép những trò chơi để các em hình thành một số tính cách như sự phán đoán
chính xác, tinh thần tập thể…
Em Bùi Phương Em, HS lớp 9/3 Trường Huỳnh Tấn Phát tâm đắc:
“Tham gia những trò chơi như giải mật khẩu, thi nhau bắt bóng sau những tiết học
thể dục, em cảm thấy thoải mái, thư giãn. Qua các trò chơi, em còn học được
tinh thần đoàn kết, biết nhường nhịn, chia sẻ khó khăn với mọi người, có ý thức
hơn trong việc bảo vệ môi trường. Hiểu được thế nào là tác hại của ma túy, HIV
đối với giới trẻ hiện nay”.
Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh đoàn kết, thương yêu nhau hơn.
Cô Đặng Thị Hoàng, giáo viên phụ trách công tác ngoại
khóa Trường Phổ thông Hermann Gmeiner cho biết: GDĐĐ HS không chỉ dựa trên môn
học mà phải thực hiện ở tất cả những hoạt động. Đối với trường, dựa vào chương
trình hoạt động ngoài giờ lên lớp cùng với tâm sinh lý HS, trường chọn những chủ
đề phù hợp tạo nhiều sân chơi bổ ích nhằm hướng đến hình thành chuẩn mực đạo đức
cho các em như: nói lời hay ý đẹp, biết quan tâm, yêu thương em nhỏ, giữ gìn vệ
sinh môi trường, vệ sinh thân thể, biết phục vụ bản thân, lễ phép… “GDĐĐ HS
không chỉ là tuyên truyền, lý thuyết chung chung mà phải gắn với thực tiễn, tự
mình thực hiện để từ đó các em có thể định hướng cho mình tình yêu quê hương, đất
nước, nhớ về cội nguồn, biết tôn sư trọng đạo, biết lao động… Các em phải thấy
rằng nghề nào cũng đáng trân trọng, chỉ cần tự tay mình tạo ra sản phẩm đó mới
là cao quý” - cô Hoàng chia sẻ.
Đến giáo dục trải
nghiệm
Trước đây, giáo dục chủ yếu chỉ cung cấp kiến thức hàn
lâm, ít gắn kiến thức đã học với thực tiễn, ít chú trọng rèn luyện cho HS kỹ
năng tự học, kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay,
đổi mới GDĐĐ HS theo Nghị quyết số 29 là phải tăng cường giáo dục các kỹ năng
xã hội, kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm chủ bản thân, chống lại sự cám dỗ của các tệ
nạn xã hội, kỹ năng ứng phó với những tình huống bạo lực nhằm giúp HS có thái độ
và hành vi tích cực, có khả năng nhìn nhận vấn đề, giải quyết tình huống theo
hướng tích cực, biết thích nghi với hoàn cảnh cụ thể, biết ứng phó, tránh xa
cái xấu.
Với cô Hoàng, GDĐĐ theo tinh thần Nghị quyết số 29 là hướng
đến hoạt động trải nghiệm. Các em tự mình trải nghiệm để từ những việc làm cụ
thể sẽ hình thành cho mình thói quen vừa học, vừa làm, biết tự phục vụ bản
thân. Với mục tiêu ấy hướng đến mỗi tháng trường sẽ dựa trên thực tế để chọn chủ
đề tổ chức cho HS hoạt động. Cụ thể như chủ đề “Chúng em làm nhà nông” hay
“Chúng em là những người đánh bắt”. Qua các chủ đề này, HS sẽ tự mình ươm mầm,
trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ. Từ đó, HS sẽ học được cách làm ra sản
phẩm rau sạch, biết yêu lao động, biết yêu thương những người tạo ra của cải, vật
chất và biết quý trọng những sản phẩm mình làm ra.
Nhận định về việc GDĐĐ HS trong giai đoạn hiện nay, TS
Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: GDĐĐ không chỉ thực hiện
trong nhà trường, qua các môn học chính khóa mà phải thực hiện kết hợp với nhiều
cách khác nhau. Trước hết phải đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức GDĐĐ,
kỹ năng sống cho HS. Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công
dân, trên cơ sở lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị phù hợp với đặc điểm
tâm sinh lý, tình cảm, nhận thức và sự phát triển của HS, xã hội và thời đại.
“Ta cần giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý
thức tuân thủ pháp luật, ý thức công dân; tăng cường giáo dục kỹ năng sống và
giá trị sống đúng đắn. Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục
công dân theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính
tích cực của HS; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong GDĐĐ, lối
sống văn hóa, kỹ năng sống cho HS. Chú trọng sự kết hợp giữa nhà trường, gia
đình và xã hội qua những hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú. Ví dụ trong
sinh hoạt gia đình, cha mẹ có thể dạy con cái mình nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh nhà
cửa… Đối với xã hội, thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động xã hội,
hoạt động ngoại khóa, hoạt động tham quan, dã ngoại; hoạt động Đoàn, Đội… cũng
là một trong những cách GDĐĐ HS có hiệu quả” - TS Huấn chia sẻ.
Như vậy, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, cần phải
tăng cường giáo dục thể chất, hướng nghiệp, ý tưởng, ý chí khởi nghiệp ngay
trong trường phổ thông, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho HS đáp ứng yêu
cầu công tác, làm việc sau này trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.