
Ban Nội chính Tỉnh ủy - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đến dự và chúc mừng. Ảnh: Đức Chính
Thành lập Ban Chỉ đạo
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Công tác PCTN, lãng phí (LP) là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi TN, LP với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi TN, LP, bao che, dung túng, tiếp tay cho TN, can thiệp, cản trở việc chống TN, LP, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Công tác PCTN, TC không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Trong bối cảnh tình hình TN, TC, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa đẩy lùi và có chiều hướng diễn biến phức tạp thì chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) về PCTN, TC cấp tỉnh của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; các tỉnh ủy, thành ủy đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương. Chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 6 đến 8-2022, 63/63 BCĐ cấp tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động với cơ cấu, thành phần theo Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư, điều đó thể hiện sự quyết tâm cao trong công tác PCTN, TC của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đối với tỉnh Bến Tre, BCĐ PCTN, TC được thành lập ngày 1-7-2022. Ngay sau khi thành lập, BCĐ đã khẩn trương, tập trung nghiên cứu, xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, xây dựng triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm, thiết lập đường dây điện thoại nóng để tiếp nhận tin báo, tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến TN, TC. Căn cứ chức danh, vị trí công tác và lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm, BCĐ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN, TC ở các địa bàn, lĩnh vực.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, BCĐ đã chủ động xây dựng và ban hành các quy định, quy trình, hướng dẫn để triển khai thực hiện thống nhất, như: Quy định về công tác kiểm tra, giám sát; Quy định về tiếp nhận, quản lý và xử lý thông tin phản ánh về TN, TC; Quy trình xử lý các vụ án, vụ việc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.
Xác định công tác phát hiện, xử lý TN, TC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, BCĐ, Thường trực BCĐ đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 6 vụ việc, vụ án TN, TC phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã kết thúc điều tra chuyển qua giai đoạn truy tố, xét xử 2/6 vụ; nhiều vụ việc, vụ án TN, TC được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa ra xử lý nghiêm theo quy định; tham mưu xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc sai phạm xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy - cơ quan thường trực BCĐ chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp tiến hành rà soát toàn diện các kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, kết quả rà soát BCĐ báo cáo, xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý trên cơ sở khách quan, toàn diện, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Để tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC ở địa phương, BCĐ đã tập trung chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ Trung ương… Đồng thời, đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về PCTN, TC.
Một số khó khăn
Có thể khẳng định, từ khi BCĐ được thành lập, công tác đấu tranh PCTN, TC của tỉnh được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, tạo được điểm nhấn, sự lan tỏa tích cực, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Chức năng, nhiệm vụ của BCĐ được thông tin, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. BCĐ đã nhận được nhiều thông tin phản ánh, tố cáo liên quan đến TN, TC có giá trị, nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định. Cơ quan Thường trực BCĐ đã tiếp nhận và xử lý 25/25 thông tin phản ánh qua đường dây nóng của BCĐ; tiếp nhận và xử lý 22/24 đơn (8 khiếu nại, 9 tố cáo, 7 phản ánh); đã báo cáo đề xuất đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng BCĐ 13 đơn; chuyển đến cơ quan có thẩm quyền 6 đơn; lưu, hướng dẫn và trả 3 đơn; đang xử lý 2 đơn (mới nhận đầu tháng 1-2023). Ban Nội chính Tỉnh ủy - cơ quan Thường trực BCĐ đã phát huy vai trò, chủ động, tích cực tham mưu, thực hiện hoàn thành nhiều công việc quan trọng, giúp BCĐ đi vào hoạt động ổn định, nền nếp… Qua đó, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác PCTN, TC; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Tuy nhiên, BCĐ đi vào hoạt động với phần lớn chức năng, nhiệm vụ vừa làm, vừa nghiên cứu nên chưa có nhiều kinh nghiệm, còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc xây dựng các quy định, quy trình hoạt động của BCĐ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, TC có mặt chưa đồng bộ, thường xuyên, nhất là công tác giáo dục văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc ở giai đoạn xác minh, điều tra còn chậm. Ban Nội chính Tỉnh ủy - cơ quan Thường trực BCĐ phân công phòng theo dõi công tác PCTN, vừa thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy, vừa trực tiếp tham mưu giúp việc cho BCĐ nên chưa bảo đảm về nhân sự.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Để tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN, TC ở địa phương; phát huy tối đa vai trò của BCĐ trong tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN, TC, BCĐ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, như sau:
1. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, TC theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Thông báo Kết luận số 12-TB/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC và các kết luận phiên họp, cuộc họp của BCĐ, Thường trực BCĐ Trung ương…
2. Tiếp tục kiện toàn, củng cố thành viên BCĐ; thành lập Tổ giúp việc của BCĐ, hoàn thiện quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên BCĐ; xây dựng chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm đảm bảo phù hợp với Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2-6-2022 của Ban Bí thư và yêu cầu đấu tranh PCTN, TC của địa phương; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định, quy trình công tác phục vụ hoạt động của BCĐ.
3. Quán triệt, triển khai hoạt động của BCĐ thật sự khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, đảm bảo thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh hình thức; từng thành viên thực hiện nhiệm vụ phải “đúng vai, thuộc bài”. Chỉ đạo rõ việc, rõ trách nhiệm của từng thành viên BCĐ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, rõ yêu cầu và thời gian hoàn thành, đúng quy chế, quy định. Từng đồng chí thành viên BCĐ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống trong sạch, liêm chính, chí công vô tư; giữ vững nguyên tắc của Đảng, thượng tôn pháp luật; tuân thủ quy chế làm việc, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
4. Chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và Quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật sau khi được Bộ Chính trị ban hành. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1-8-2022 của BCĐ Trung ương về một số nội dung về công tác phồng chống TC ở địa phương, cơ sở, trong đó xác định rõ các vụ án, vụ việc TC trên địa bàn; đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
5. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa TN, TC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh TN, TC, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương. Chú trọng tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề đối với công tác thu hồi tài sản TN, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu TN, TC... Chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra. Chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý TN, TC qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
6. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc TN, TC thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục rà soát đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc TN, TC phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”.
7. Chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính không TN, TC trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục tình trạng sợ sai, không dám làm, làm việc cầm chừng, phòng thủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kịp thời phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận kết quả, thành tựu đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta. Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN, TC.
8. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Nội chính Tỉnh ủy để làm tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực BCĐ; tăng cường quan hệ phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan chức năng trong tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của BCĐ.
Công tác PCTN, TC là công việc rất khó khăn, phức tạp, cấp bách, lâu dài, phải thực hiện kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, không có vùng cấm; song với sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của BCĐ nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung, công tác PCTN, TC của tỉnh sẽ được nâng lên một bước ngoặt mới, sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giữ vững niềm tin với nhân dân; góp phần trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng tỉnh ngày càng phồn thịnh.
|
Lê Thanh Vân
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy