Phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực

15/03/2021 - 06:46

BDK - Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5-8-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, đạt được một số kết quả khả quan. Giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đảm bảo có vùng nguyên liệu tập trung, gắn với khoa học công nghệ ổn định lâu dài, gắn với thị trường trong và ngoài nước.

Nghề ươm cây giống Cái Mơn (Chợ Lách). Ảnh: Nguyễn Dừa

Nghề ươm cây giống Cái Mơn (Chợ Lách). Ảnh: Nguyễn Dừa

Cây giống, hoa kiểng

Chuỗi cây giống, hoa kiểng được xác định là một trong 8 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 7 ngàn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh cây giống, với sản lượng 45 triệu cây/năm, gồm các loại như: sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, bơ, nhãn, xoài, mít. Trong đó, địa bàn sản xuất tập trung là Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỉnh hoàn toàn có thể tự hào là xứ sở sản xuất, cung ứng cây giống lớn của cả nước. Trước mắt, việc quản lý sản xuất cây giống đạt chuẩn chất lượng, đúng quy định của nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp. Thời gian qua, công tác bình tuyển và cấp giấy công nhận nguồn giống được quan tâm. Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, cây dừa mẹ đã tiến hành bình tuyển, công nhận 21 cây đầu dòng, 78 vườn cây đầu dòng và 5 vườn dừa mẹ với 746 cây dừa mẹ.

Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch chuỗi giá trị cây giống thực hiện trong năm 2021. Mục tiêu là khi chuỗi giá trị cây giống thành công, sản lượng giống sản xuất trong tỉnh có thị trường tiêu thụ hàng năm đạt từ 70 - 80%. Đồng thời, từng bước quản lý chất lượng cây giống theo quy định của pháp luật, dần tiến tới quản lý cây giống bằng phương pháp số hóa, quyết tâm giữ vững nghề truyền thống của tỉnh ngày một phát triển.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiến hành khảo nghiệm, xây dựng các sở hữu về giống, nhằm hướng đến việc xây dựng bộ giống “Made in Bến Tre”. Đồng thời, liên kết các tỉnh trong khu vực, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống các kênh thông tin, các sàn giao dịch… tiến đến xây dựng thành công Trung tâm Cây giống, hoa kiểng quy mô cấp quốc gia.

Chuỗi dừa phát triển ổn định với mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: Cẩm Trúc

Chuỗi dừa phát triển ổn định với mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: Cẩm Trúc

Cây ăn trái hữu cơ

Đến nay, việc hình thành các chuỗi cây trồng đã cơ bản, nổi bật là chuỗi dừa và bưởi da xanh.

Chuỗi dừa phát triển ổn định, mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài nước. Đặc biệt, chuỗi dừa có các vùng nguyên liệu tập trung sản xuất hữu cơ khoảng 10 ngàn ha, trong đó diện tích chứng nhận hàng năm khoảng 4 ngàn ha. “Đây là vùng hữu cơ cao nhất nước hiện nay. Sắp tới, vườn dừa uống nước sẽ được xây dựng mã Code xuất khẩu sang Mỹ và Canada. Sở NN&PTNT cũng đã phác thảo phương án cùng với doanh nghiệp để chuẩn bị thực hiện”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức khẳng định.

Chuỗi bưởi hiện có 32 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã (HTX), với diện tích 542ha. Hoạt động liên kết tiêu thụ khá tốt thông qua việc hình thành và phát triển chuỗi. Đến nay, có 18 mối liên kết tiêu thụ sản phẩm của tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp tiêu thụ. Tổng diện tích liên kết tiêu thụ bưởi của tỉnh trên 330ha, trong đó có 281ha đạt chứng nhận VietGAP/347ha VietGAP toàn tỉnh.

Nghề làm cây giống ở huyện Chợ Lách. Ảnh: H. Linh

Nghề làm cây giống ở huyện Chợ Lách. Ảnh: H. Linh

Điểm hạn chế hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ chưa lớn mạnh về thị trường. Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu qua trung gian. Mặt khác, sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu xuất tươi, chưa phát triển chế biến, dẫn đến việc tái đi tái lại tình trạng đụng hàng dội chợ khi vào vụ thu hoạch rộ.

Triển vọng mới cho trái bưởi là hiện nay ở một số HTX bưởi da xanh đã hình thành các chuỗi nhỏ phát triển chế biến đa dạng sản phẩm từ trái bưởi, như: HTX bưởi da xanh Giồng Trôm, HTX bưởi da xanh tỉnh Bến Tre.

Các chuỗi chăn nuôi, thủy sản, lỗ hổng lớn nhất vẫn là thiếu doanh nghiệp liên kết đầu vào, đầu ra và chưa phát triển mạnh khâu chế biến sau thu hoạch. Vì thế, hiện có những mô hình liên kết chuỗi nhưng còn ở mức độ nhỏ.

“Về truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý là việc làm hết sức quan trọng, khẳng định suất xứ đặc sản của tỉnh. Tuy nhiên, sự tiếp cận và nhận thức về vai trò của chỉ dẫn địa lý còn hạn chế. Hiện nay, chỉ dẫn địa lý được đưa vào các HTX cùng tham gia. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn địa lý” - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức thông tin thêm.

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới, ngành nông nghiệp sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương để làm rõ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiếp tục mời gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và đầu tư chế biến.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN