 |
Chợ Khu Công nghiệp Giao Long. Ảnh: C.Tr |
Theo Sở Công thương, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh sẽ xây dựng mới và nâng cấp 42 chợ truyền thống; 1 trung tâm hội chợ triển lãm, 8 trung tâm thương mại và 10 siêu thị. Nguồn vốn chủ yếu để thực hiện kế hoạch trên từ việc kêu gọi sự đầu tư của các thành phần kinh tế và hộ kinh doanh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 37.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân là 20%.
Những năm gần đây, các sở ngành, UBND các huyện, thành phố đã đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt công tác phát triển và quản lý chợ. Hàng năm, số chợ được xây mới và nâng cấp ngày càng nhiều, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại trên địa bàn phát triển mạnh, thị trường hàng hóa chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ mỗi năm đều đạt hoặc vượt so kế hoạch; riêng năm 2010, đạt 15.200 tỷ đồng, đạt trên 101% so kế hoạch và tăng 21,4% so năm 2009.
Năm 2010, tỉnh đã tiếp tục xây mới và nâng cấp 15 chợ, nâng tổng số chợ toàn tỉnh hiện nay là 175 chợ/164 xã, phường, thị trấn. Hầu hết các chợ đều phát huy tốt vai trò trong việc tiêu thụ hàng nông sản tại địa phương và tạo môi trường trao đổi hàng hóa thuận tiện cho nhân dân. Ngoài việc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, chợ còn phát huy tốt vai trò tập trung nguồn hàng và phân phối hàng hóa đến các chợ nhỏ hơn hoặc các cửa hàng bán lẻ trong tỉnh.
Ngoài hệ thống chợ truyền thống, hiện siêu thị Co.opMart đang hoạt động có hiệu quả. Các loại hình thương mại hiện đại như Trung tâm thương mại Bình Đại, Ba Tri và Châu Thành cũng đang từng bước hình thành, góp phần tích cực trong việc tổ chức kênh phân phối hàng hóa, bình ổn giá cả, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh. Ông Cao Thiên Thọ - Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương cho biết, các trung tâm thương mại này sẽ có diện tích từ 10.000m2 trở lên và hoạt động đa chức năng về kinh doanh hàng hóa, kinh doanh các loại hình dịch vụ như cho thuê văn phòng làm việc, phục vụ vui chơi giải trí, ẩm thực...
Trung tâm Hội chợ triển lãm của tỉnh đã được quy hoạch xây dựng, với diện tích 50.000m2, tại khu phố 3, phường Phú Khương (thành phố Bến Tre). Dự tính, tổng vốn đầu tư khoảng 130 tỷ đồng. Ngoài đạt các tiêu chuẩn về kiến trúc hiện đại, kho hàng, kỹ thuật bảo quản, khu vệ sinh, khu giải trí, loại hình thương mại này sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản của một trung tâm thương mại hạng I như có sân khấu, nhà hàng, khách sạn, khu vực dành cho các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tin học, tư vấn, môi giới đầu tư, du lịch…
Tuy nhiên, để các chợ truyền thống lẫn các loại hình thương mại hiện đại khi hoàn thành sẽ hoạt động có hiệu quả cao và đạt mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2015, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố đặc biệt chú trọng công tác xây dựng quy hoạch phát triển chợ.
Cụ thể, công tác xây dựng quy hoạch phát triển chợ phải phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại và quy hoạch phát triển của địa phương. Đối với các dự án xây mới, các chủ dự án cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát thực tế để nắm tình hình thị trường, đánh giá đúng nhu cầu và tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng chợ; dự kiến số hộ kinh doanh, lượng hàng hóa lưu thông và đặc trưng của loại hình chợ để xác định quy mô, vị trí cho phù hợp; đồng thời, tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng. Các cơ quan nhà nước phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm định các dự án này, đặc biệt là các dự án có nguồn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh việc phát triển chợ theo quy hoạch, UBND các huyện, thành phố cần kiên quyết dẹp bỏ các chợ tự phát, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các ban quản lý, tổ quản lý chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh quản lý chợ, nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho các chợ mới.