Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn

11/10/2012 - 16:09
Cần liên kết trong hoạt động thu mua và tiêu thụ dừa trái cho người nông dân.

Ở Bến Tre, trong nông nghiệp, hình thức kinh tế hợp tác đang ngày càng phát triển, khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún và mang tính tự phát ở nông thôn. Đây còn là một yêu cầu của quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí số 13 trong Bộ Tiêu chí về xây dựng NTM. Để đạt tiêu chí này, các xã phải xác định mô hình kinh tế phù hợp, tìm ra loại cây, con chủ lực của địa phương để vận động, khuyến khích người dân tham gia hoạt động tập thể. Việc xây dựng thành công hình thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công một số tiêu chí quan trọng khác trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM là giải quyết lao động nông thôn, nâng cao thu nhập. Tính đến nay, toàn tỉnh có 37 tổ hợp tác (THT) kiểu mới trên lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 151 của Chính phủ về việc tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 4 THT đã được công nhận VietGAP (THT nhãn Long Hòa, THT bưởi da xanh Phú Thành, THT măng cụt Long Thới, THT bưởi da xanh Hòa Nghĩa), 2 THT được công nhận GlobalGAP (THT chôm chôm Phú Phụng, THT chôm chôm Tiên Phú), 1 THT sầu riêng Sơn Định cũng đang triển khai sản xuất theo quy trình VietGAP, THT Châu Hưng đang thực hiện sản xuất theo hướng an toàn và 2 THT cacao được công nhận đạt tiêu chuẩn UTZ.

Có thể nói, hình thức hoạt động kinh tế tập thể kiểu mới đang dần có bước phát triển, bước đầu có hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, các THT này còn đang trong giai đoạn tập làm quen với thị trường, hoạt động còn nặng tính hình thức, chất lượng chưa cao và không đồng đều. Theo ông Nguyễn Văn Thượng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 3 THT hoạt động có hiệu quả hiện nay là THT bưởi da xanh Phú Thành, THT nhãn Long Hòa, THT sản xuất rau Hữu Chiến (xã Hữu Định - Châu Thành). Các THT này đã giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, giải quyết tốt nhu cầu về lợi ích của các thành viên, đảm bảo tính công bằng, minh bạch về tài chính. Nguyên nhân khiến cho phần nhiều các THT còn nhiều hạn chế trong hoạt động là tổ chức thiếu chặt chẽ, việc sinh hoạt trao đổi không thường xuyên, hầu hết cán bộ THT chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý kinh doanh, việc chỉ đạo tổ hợp tác phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa vững chắc.

Theo lộ trình xây dựng NTM, đến năm 2015, toàn tỉnh có 25 xã NTM. Việc thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13) tại các xã này, đặc biệt là tại 5 xã cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2013. Riêng 9 xã dự kiến sẽ đạt tiêu chí NTM vào năm 2014 cũng đã có mô hình sản xuất và chuẩn bị thành lập THT.

Trong quá trình phát triển hình thức hoạt động kinh tế tập thể, ngoài sự liên kết của nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp, còn phải kể đến vai trò quan trọng của nhà khoa học, Nhà nước. Định hướng về phát triển kinh tế hợp tác, đáp ứng nhu cầu hợp tác kinh tế để phát triển của người dân, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã có kế hoạch đào tạo cán bộ từng bước. Chi cục cũng đang phối hợp với các huyện nắm lại tình hình hoạt động của các THT kiểu cũ, để từ đó làm cơ sở đổi mới hoạt động theo hướng THT kiểu mới.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN