Phát triển kinh tế tập thể hướng đến xây dựng tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới

17/10/2014 - 09:34

Khảo sát giống sầu riêng tại làng nghề cây giống Cái Mơn, huyện Chợ Lách. Ảnh: T.H

Xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất khi có ít nhất 1 hợp tác xã (HTX) hoặc tổ hợp tác (THT) có đăng ký, hoạt động đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo luật, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

HTX đảm bảo 3 yêu cầu: Được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; tổ chức được ít nhất 1 loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu theo đặc điểm từng vùng phục vụ thành viên HTX và người dân trên địa bàn; kinh doanh có lãi liên tục trong 3 năm liền kề (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liền kề có lãi liên tục). THT đảm bảo 2 yêu cầu: thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động theo đúng qui định tại Nghị định số 151 của Chính phủ và Thông tư số 04 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi liên tục trong 3 năm liền kề được UBND xã xác nhận (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liên tục có lãi).

Liên kết giữa hộ nông dân hoặc THT, HTX với doanh nghiệp, tổ chức khoa học hoặc nhà khoa học lâu dài là có hợp đồng được ký kết giữa các bên và thực hiện có hiệu quả các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với thời hạn tối thiểu 3 năm. Trên cơ sở đó, đến nay, Bến Tre đã chuyển đổi và phát triển mới 217 THT. Trong đó, có 114 tổ thuộc lĩnh vực thủy sản, 103 tổ thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hiện có 10 tổ được chứng nhận VietGAP như: THT bưởi da xanh Phú Thành xã Quới Sơn, THT nhãn Long Hòa, THT bưởi da xanh Hòa Nghĩa, THT măng cụt Long Thới, THT sản xuất trái chôm chôm Tiên Phú, THT sầu riêng Sơn Định, THT sầu riêng Hưng Khánh Trung B, THT bưởi da xanh Thành Triệu, THT chôm chôm Lộc Hiệp, THT chôm chôm Vĩnh Lộc. HTX bưởi da xanh xã Phú Nhuận được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, 2 tổ sản xuất cây ăn quả được công nhận GlobalGAP (THT chôm chôm Phú Phụng, THT bưởi da xanh xã Nhơn Thạnh). Các mô hình câu lạc bộ canh tác trong hệ thống chứng nhận hiện đang được dự án của Hevetas tài trợ duy trì tốt đạt hiệu quả; và một số tổ rau sản xuất theo hướng an toàn.

Đối với HTX, Chi cục Phát triển nông thôn tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các huyện, thành phố kiểm tra chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 HTX nông nghiệp, với 16.413 xã viên. Trong đó, có 6 HTX loại khá, số còn lại là trung bình hoặc yếu. HTX lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đa số hoạt động kém hiệu quả hoặc không triển khai được kế hoạch. Vốn hoạt động của các HTX do xã viên đóng góp theo điều lệ, vốn huy động và tích lũy. Vốn điều lệ có tăng nhưng không đáng kể. Tổng vốn điều lệ của 21 HTX nông nghiệp là 4,336 tỷ đồng (trong đó 10 HTX thủy sản 3,475 tỷ đồng và 11 HTX nông nghiệp 0,864 tỷ đồng). Bình quân 1 HTX đăng ký vốn góp 206 triệu đồng; trong đó, vốn góp từ 1 tỷ đồng trở lên chiếm 4,8%, từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng chiếm 38,1%, vốn góp dưới 100 triệu đồng chiếm 57,1%. Vì vậy, một số HTX không đủ vốn hoạt động, phải giải thể.

Để các HTX, THT phát triển trong thời gian tới, cần tổ chức đánh giá hiện trạng các HTX, THT và các mô hình liên kết đang hoạt động để đúc kết kinh nghiệm xây dựng mô hình phù hợp; trên cơ sở đó đề xuất các cơ chế, chính sách để nhân rộng và phát triển. Rà soát, hướng dẫn và tổ chức đăng ký lại cho tất cả các HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Xây dựng 1 mô hình HTX, 3 mô hình THT phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển ở mỗi địa phương và trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.


Phan Văn Trạng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN