Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ếch

22/11/2023 - 05:41

BDK - Anh Nguyễn Cao Trí, ngụ tại ấp Long Thạnh, xã Giao Long, huyện Châu Thành nổi tiếng là một nông dân có tuổi đờ̀i còn khá trẻ nhưng đã gặ̣t hái đượ̣c nhiều thành công nhờ mô hình nuôi ếch giống, ếch thương phẩm. Anh là một trong những nông dân đi đầu trong việc phát triển mô hình này tại tỉnh.

Mô hình nuôi ếch của anh Nguyễn Cao Trí tại ấp Long Thạnh, xã Giao Long, huyện Châu Thành.

Mô hình nuôi ếch của anh Nguyễn Cao Trí tại ấp Long Thạnh, xã Giao Long, huyện Châu Thành.

Mang lại hiệu quả kinh tế 

Anh Nguyễn Cao Trí hiện đã xây dựng được một trại nuôi ếch hoàn chỉnh hơn 1.000m2, không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi tại địa phương.

Xuất phát điểm của anh Nguyễn Cao Trí là kỹ sư thủy sản. Với những kiến thức đã học cùng niềm yêu thích nuôi ếch, năm 2021, anh Trí quyết tâm đầu tư nuôi ếch giống, ếch thương phẩm tại nhà. Ban đầu, anh Trí chỉ có trong tay vài ao nuôi với diện tích khoảng 100m2. Tuy nhiên giờ đây, tổng diện tích ao nuôi của anh đã tăng lên đáng kể với khoảng 1.000m2.

Đối với nuôi ếch giống, anh Trí chọn những con ếch bố mẹ khỏe mạnh, có trọng lượng từ 300 - 400gram/con. Khi nuôi, anh đặc biệt chú ý đến điều kiện sinh sản của ếch như: nhiệt độ, ánh sáng, độ pH và oxy hòa tan trong nước… Đồng thời, anh áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho ếch bố mẹ, như tiêm vắc-xin, sử dụng thuốc kháng sinh và diệt khuẩn thường xuyên.

Đối với ếch thương phẩm, anh chọn những con ếch giống có trọng lượng từ 50 - 70gram/con và thả nuôi chúng trong các ao rộng khoảng 400m2, có lót bạt nylon để tránh rò rỉ nước và ô nhiễm môi trường. Thời gian thu hoạch ếch thương phẩm là khoảng 2 tháng 15 ngày kể từ giai đoạn ếch kết thúc quá trình biến thái lần 3.

Để giúp ếch có môi trường sống thuận lợi, anh Trí trồng các loại cây xanh quanh ao để tạo bóng mát và tăng cường oxy cho ếch. Thức ăn của ếch là các loại thức ăn công nghiệp có chứa đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất.

Anh Trí chia sẻ: “Tôi rất đam mê nuôi ếch và muốn áp dụng những kiến thức thủy sản đã học vào thực tiễn sản xuất. Tôi cho rằng nuôi ếch là một mô hình kinh tế hiệu quả, có thể mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch của mình với những người có cùng định hướng”.

Nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm

Anh Trí cho biết thêm, một trong những lợi thế của mô hình nuôi ếch là chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao. Với tổng diện tích ao nuôi gần 1.000m2, anh có thể thu hoạch được khoảng 1,5 tấn ếch thương phẩm/tháng với giá từ 40 - 50 ngàn đồng/kg. Anh bán ếch giống cho các hộ nuôi khác với giá từ 1.000 - 1.200 đồng/con. Mỗi tháng sẽ bán từ 40 - 50 ngàn con ếch giống. Tổng thu nhập bình quân của anh dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

“Mô hình nuôi ếch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ môi trường và duy trì nguồn gen của ếch. Ngoài ra, ếch là một loài động vật quan trọng trong chuỗi thức ăn của nhiều loài khác. Ếch cũng có tác dụng điều tiết côn trùng và giảm thiểu sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm”, anh Trí chia sẻ thêm.

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Trí còn một hội viên nông dân rất tích cực. Trong các buổi hội thảo về nuôi ếch do Hội Nông dân xã tổ chức, anh Trí luôn là người thuyết trình, chủ độ̣ng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của bản thân để cho bà con hiểu và áp dụng trong quá trình nuôi ếch. Bên cạnh đó, anh Trí còn rất tận tình hỗ trợ kỹ thuật đối với những khách hàng đến mua con giống.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Giao Long Lao Thị Kim Cương đánh giá: “Đây là một mô hình kinh tế mới mẻ và tiềm năng, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Anh Trí đã áp dụng những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế để nuôi ếch hiệu quả, đảm bảo chất lượng và an toàn. Anh Trí cũng rất nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch cho những người nông dân khác, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn”.

Hy vọng rằng trong tương lai, mô hình phát triển kinh tế hay này sẽ được nhiều người học hỏi và áp dụng, để góp phần phát triển ngành chăn nuôi và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương.

Bài, ảnh: Bảo Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN