Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long

26/10/2021 - 13:27

BDK.VN - Ngày 26-10-2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-10-2003 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2011 - 2020.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Điểm cầu tỉnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội chủ trì.

Trong thời gian qua, nông nghiệp ĐBSCL đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa ĐBSCL thành vùng nông nghiệp chiến lược của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Trong giai đoạn 2004 - 2020, nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trung bình 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2004 - 2020 đạt 4,6% cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%). Năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của vùng chiếm 45,08% cả nước với tốc độ tăng bình quân 4,17%/năm và tăng ở cả 3 lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp và lâm nghiệp.

ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn gạo (chiếm 56% tổng sản lượng của cả nước), 671,7 nghìn tấn tôm (83,51%), 1,41 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).

Đối với Bến Tre, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: Trong thời gian qua, công tác triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của toàn ngành nông nghiệp (khu vực I), giai đoạn 2003 - 2020 tăng bình quân 3,5%/năm. Cơ cấu kinh tế khu vực I có bước chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng khu vực I trong GRDP giảm từ 64,63% năm 2002 xuống còn 38,6% năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh năm 2020 đạt 178,93 triệu USD, tăng 6,9 lần so với năm 2002.

Hai thế mạnh của tỉnh là kinh tế vườn và thủy sản được phát huy hiệu quả; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung đối với lúa, dừa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nguồn nguyên liệu ngày càng tốt hơn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: ĐBSCL có 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản và trái cây, trong đó thủy sản là then chốt.

Hướng tới, mục tiêu trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm. Ngoài ra, việc phát triển các phụ phẩm nông nghiệp cũng cần được xem là tài nguyên tái tạo, nâng cao giá trị sản phẩm.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là ưu tiên quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, để phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp từng vừng. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, cơ giới hóa đồng bộ để phát huy hiệu quả, giảm tổn thất trong thu hoạch, cũng như ứng dụng công nghệ vào sản xuất giống, cây trồng vật nuôi. Xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đạt chuẩn, có mã số vùng trồng. Các tỉnh quan tâm hạ tầng logistics cho hợp tác xã nông nghiệp.

Hướng tới Bộ sẽ xây dựng và nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng để hướng dẫn nông dân. Phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn. Nâng cao chất lượng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tạo ngành nghề mới ở nông thôn. Xác định các khâu đột phá để xây dựng chuỗi liên kết vùng ở ĐBSCL. Quan tâm vấn đề xây dựng nông thôn mới, về cơ sở hạ tầng, môi trường, nước sạch nông thôn.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN