Từ khi triển khai thực hiện đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH)” đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về nghề CTXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Báo Đồng Khởi và Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre định kỳ đăng tin, bài, ảnh về các hoạt động CTXH. Những nội dung cụ thể bao gồm: các dịch vụ CTXH, chính sách dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, các chương trình hành động phòng, chống buôn bán người, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, giảm thiểu trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật... Bên cạnh đó, các đơn vị còn in và phát hành nhiều tờ gấp, tờ rơi để phổ biến tại cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp đến từng người dân thông qua các buổi họp mặt người nghèo, họp tổ nhân dân tự quản. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát, thống kê số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ hoạt động CTXH. Toàn tỉnh có 1.920 người có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ CTXH. Năm 2011, Sở đã phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội - cơ sở 2 - TP. Hồ Chí Minh tổ chức 3 lớp tập huấn cho 294 cán bộ cấp xã, cán bộ, viên chức Trung tâm Bảo trợ Trẻ em, Trung tâm Bảo trợ người Tâm thần, Trung tâm Bảo trợ Xã hội về kỹ năng CTXH, tổ chức 1 lớp Trung cấp CTXH, có 102 cán bộ cấp xã, phường, thị trấn tham gia.
Toàn tỉnh đang có trên 47.000 đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp từ ngân sách, trên 56.113 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 38.308 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Tuy đạt một số kết quả ban đầu, nhưng việc triển khai Đề án “Phát triển nghề CTXH” trong thời gian tới sẽ còn gặp không ít khó khăn, do nhận thức của người dân, trình độ chuyên môn của đội ngũ còn hạn chế. Theo kế hoạch phát triển nghề CTXH của tỉnh đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ tiếp tục đào tạo trên 300 người có các trình độ trung cấp, đại học và sau đại học. Trong khi đó, tỉnh chưa có trường đào tạo chuyên ngành CTXH. Muốn có đội ngũ đạt chuẩn theo yêu cầu, tỉnh phải liên kết đào tạo với các Trường Đại học Lao động - Xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đồng Tháp… Hy vọng rằng, với sự tiếp tục quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương, hoạt động phát triển nghề CTXH sẽ có những chuyển biến mới.