Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững

25/01/2019 - 21:35

BDK - Với quyết tâm của năm “tăng tốc”, Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Tri thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Kết quả năm 2018, kinh tế nông nghiệp của huyện đạt khá toàn diện, từng bước khẳng định vị thế kinh tế đặc trưng của huyện.

Trang trại bò của người dân huyện Ba Tri. Ảnh: Hồng Vân

Trang trại bò của người dân huyện Ba Tri. Ảnh: Hồng Vân

Phát triển theo hướng bền vững

Cả hệ thống chính trị huyện đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nông nghiệp duy trì tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 42,5 triệu đồng/người/năm, tăng gần 12,6% so với kế hoạch, góp phần cải thiện đời sống người dân, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Các địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã chuyển đổi được 30,6ha đất giồng, vườn tạp. Đồng thời, tập trung triển khai xây dựng chuỗi giá trị 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực: con bò, rau màu, tôm biển, nghêu, tôm - cá khô.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng cho hay: Huyện từng bước định hình liên kết giữa các hộ nông dân với nhau và tổ chức đại diện của nông dân với nông dân. Cụ thể, chuỗi giá trị sản phẩm bò của huyện đã cơ bản hình thành theo đúng kế hoạch của tỉnh. Cuối tháng 8-2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Chánh được thành lập, đến nay đã có mối liên kết sản xuất hiệu quả, có hợp đồng tiêu thụ bò giống, bò thịt với nhiều đối tác, công ty, dự án trong và ngoài tỉnh.

Hiện HTX nông nghiệp Mỹ Chánh có 200 thành viên với 1.400 con bò chuẩn, chất lượng cao. Năm 2018, HTX xuất gần 1.500 con bò, doanh thu trên 20 tỷ đồng, mang nguồn thu nhập đáng kể cho hộ thành viên. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Chánh Trà Tấn Thanh cho biết: “Từ lợi thế về giống bò truyền thống của huyện, HTX hướng đến khai thác chăn nuôi an toàn; bảo đảm tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, tạo uy tín, bảo vệ thương hiệu bò Ba Tri trên thị trường trong nước và phấn đấu phát triển ra thị trường thế giới”.

Nắm được lợi thế nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri”, ngoài HTX nông nghiệp Mỹ Chánh, huyện đã chủ động xây dựng thành công HTX nông nghiệp Mỹ Nhơn và nhiều tổ hợp tác (THT), nhóm sản xuất hiệu quả. Hiện nay, con bò Ba Tri đã có mặt trên địa bàn các tỉnh thuộc miền Bắc, Trung, Nam. Dù ở tỉnh, thành nào, bò Ba Tri vẫn được đánh giá cao về chất lượng. “Nhờ tuân thủ các vấn đề về an toàn vệ sinh dịch bệnh, bò của HTX nông nghiệp Mỹ Chánh nói riêng và bò Ba Tri nói chung luôn duy trì được giá bán ổn định và cao hơn 25 - 30% giá thị trường”, ông Trà Tấn Thanh cho hay.

Bên cạnh con bò, cùng “bám rễ” với người dân Ba Tri, sản phẩm cây lúa, rau màu phát triển ổn định. Chuỗi giá trị rau màu an toàn được hình thành rõ nét. Huyện đã thành lập HTX sản xuất nông nghiệp Phú Nghĩa, với 21 hộ nông dân tham gia, diện tích 6,8ha, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Rau Phú Nghĩa”. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các thành viên trong HTX.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa nghiên cứu với chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào điều kiện thực tế trồng trọt. Nhờ đó, năng suất, chất lượng tăng, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân trên cùng đơn vị diện tích. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp huyện ước đạt 5.525 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng, khai thác hải sản đạt 125 ngàn tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu nghị quyết.

Chọn khâu đột phá

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ba Tri còn một số hạn chế. Tình trạng sản xuất manh mún chưa được khắc phục triệt để, các mối liên kết giữa nông dân và tổ chức của nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn chậm phát triển. Các chuỗi giá trị chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động HTX, một số HTX chưa thực hiện được liên kết đầu vào, đầu ra...

Để hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, huyện xác định giải pháp chiến lược là xây dựng và phát triển THT, HTX, điểm liên kết sản xuất để tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cũng như thương hiệu hàng hóa kinh tế đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, quan tâm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ THT, HTX xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện 5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng cho biết, huyện tiếp tục phối hợp với các ngành tỉnh tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp nông dân nắm được các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp. Tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn các chuyên đề về trồng trọt, chăn nuôi, các biện pháp canh tác theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ 3 HTX thủy sản hoàn thiện về tổ chức, hoạt động theo phương án sản xuất, kinh doanh đúng luật và điều lệ HTX kiểu mới. Theo ông Dương Minh Tùng, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân phải có ý thức liên kết trong sản xuất, quan tâm việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất và quảng bá sản phẩm. Từ đó, góp phần cùng huyện thực hiện đạt hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tại buổi làm việc với huyện về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực của tỉnh (tháng 10-2018), Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đánh giá, huyện Ba Tri có những mặt hàng nông sản chủ lực đắt giá. Các sản phẩm con bò, nghêu… nếu được tổ chức, sản xuất, khai thác hợp lý sẽ tiếp tục tạo bước đột phá mới. Điều quan trọng là ý thức phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết tại HTX.

 “Từng nông dân hoặc các THT nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường mà cần phải thực hiện liên kết giữa các tổ chức của nông dân thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm ra thị trường. Từ đó, sẽ mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản của địa phương trong tương lai” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng nhấn mạnh.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN