|
Thường xuyên chăm sóc tôm con. Ảnh: H.Hiệp |
Tính đến hết quí II-2012, tổng diện tích nuôi thủy sản đã thả giống được 40.600ha, đạt khoảng 94% so với kế hoạch năm và tương đương với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, nuôi tôm biển 30.500ha (tôm sú thâm canh, bán thâm canh 2.300ha, tôm chân trắng 1.700ha); nuôi cá tra tăng sản 595ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản đã thu hoạch ước đạt 118.800 tấn, đạt 57,4% kế hoạch năm, trong đó sản lượng tôm biển đạt 11.450 tấn; cá tra đạt 95.000 tấn.
Đối với tôm sú, đến hết quý II-2012, tổng diện tích thả nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh ước đạt 2.300ha, giảm 36% (cùng kỳ năm 2011 là 3.600ha). Đối với tôm sú quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đã thả giống 100% diện tích nuôi, tôm đang trong giai đoạn thu hoạch. Năm nay, do độ mặn lên chậm hơn so với năm 2011, cùng với diễn biến khá phức tạp của thời tiết, ảnh hưởng làm tôm chết hàng loạt ở các huyện Bình Đại, Ba Tri. Hiện nay, đa số người dân chờ khi điều kiện môi trường ổn định mới tiếp tục thả giống. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1971 ngày 27-4-2012 về việc tạm ngưng nhập giống và thả nuôi giống tôm biển trên địa bàn huyện Bình Đại và Ba Tri, người nuôi nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện khá tốt. Đối với tôm thẻ chân trắng, đến hết quý II-2012 diện tích nuôi 1.700ha, đạt 85% so với kế hoạch năm và tăng 84,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2011 là 922ha). Đối với cá tra thâm canh, đến cuối quý II-2012, diện tích thả nuôi giống ước đạt 595ha; sản lượng thu hoạch ước đạt 95.000 tấn, đạt 69,34% so với kế hoạch năm. Hiện tại, các cơ sở đang tiếp tục thả giống, nhưng tập trung chủ yếu của các doanh nghiệp. Trong những ngày đầu năm 2012, giá bán cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao, dao động từ 25.000 đến 26.700 đồng/kg nên đa số người nuôi cá lãi khá cao (từ 2.500 - 3.500 đồng/kg). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay do giá bán cá tra nguyên liệu giảm mạnh (dao động từ 21.000 - 22.700 đồng/kg), nên đa số người nuôi bị lỗ. Đối với tôm càng xanh, nuôi trong mương vườn, nuôi liền canh liền cư đang trong giai đoạn thu hoạch, một số hộ nuôi đang chuẩn bị lại ao để tiếp tục thả giống cho vụ nuôi năm 2012. Tôm càng xanh luân vụ với tôm sú trên ruộng lúa (chủ yếu ở huyện Thạnh Phú), hiện các hộ nuôi bắt đầu thu hoạch và chuẩn bị ao nuôi để chờ mưa xuống tiếp tục thả giống.
Đối với nhuyễn thể, sản lượng thu hoạch đến cuối quý II-2012, ước đạt 4.950 tấn (chủ yếu là sò huyết). Các hợp tác xã khai thác chủ yếu là nghêu giống, nên sản lượng thấp. Giá bán nghêu nguyên liệu, nghêu giống luôn ổn định ở mức cao (dao động từ 36.000 - 64.000 đồng/kg). Giá bán sò huyết hiện nay tiếp tục tăng mạnh (dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg) do đó các hợp tác xã, hộ nuôi đều thu lợi nhuận khá cao. Tình hình nuôi nghêu, sò huyết vẫn phát triển. Chi cục nuôi trồng thủy sản thường xuyên phối hợp với các hợp tác xã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên con nghêu, như: san thưa, theo dõi các chỉ số môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến nghêu, sò nuôi nhằm phát hiện các biến động bất thường của môi trường, để có giải pháp xử lý kịp thời. Các đối tượng nuôi mới như: cá chẻm, cá kèo, cá bống tượng, cá rô phi... tiếp tục được người nuôi đầu tư phát triển. Phong trào nuôi cá lồng bè phát triển khá mạnh trên các tuyến sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, chủ yếu là cá điêu hồng với 316 lồng, thể tích 26.500m3. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình FSPS II, Chi cục đã thực hiện 10 mô hình nuôi thủy sản từ nước ngọt cho dân nghèo trong vùng dự án trên địa bàn tỉnh.
Về tình hình dịch bệnh, đến nay diện tích tôm biển nuôi thiệt hại trên 800ha, chiếm trên 30% diện tích thả nuôi, tập trung nhiều nhất trên địa bàn huyện Bình Đại và Ba Tri. Tôm chết nhiều ở giai đoạn khoảng 25 - 35 ngày tuổi, số ít ở giai đoạn 40 - 55 ngày tuổi, tôm chết do bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử gan tụy và một số trường hợp chưa xác định được nguyên nhân. Tôm nuôi quảng canh cải tiến, tôm rừng, tôm lúa phát triển chưa có dấu hiệu chết. Đối với cá tra, dịch bệnh vẫn thường xuyên xuất hiện nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng, tỷ lệ thiệt hại có xu hướng ngày càng tăng, tỷ lệ hao hụt trung bình từ 10 đến 20% và xuất hiện rải rác trên các ao nuôi. Một số bệnh thường xuyên xảy ra như: gan thận có mủ, xuất huyết, trắng gan trắng mang... tập trung ở cá tra có trọng lượng 200 - 300 gram/con. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng, xuất hiện những cơn mưa trái mùa dễ phát sinh dịch bệnh. Một số người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, đã lén lút thả tôm trái vụ. Khi tôm bị bệnh, người nuôi đã xả thải ra bên ngoài không qua xử lý, đã lây lan và ảnh hưởng đến những hộ thả nuôi vào chính vụ. Các cơ sở nuôi chưa thực hiện đúng quy trình cải tạo ao và xử lý nước ao nuôi, do đó các độc chất tồn lưu trong ao chưa được xử lý triệt để. Các công ty, cơ sở nuôi thả cá tra với mật độ dày, trong khi đó các biện pháp phòng trị hiện nay đạt hiệu quả không cao, nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra trong quá trình nuôi.
Về công tác quản lý giống thủy sản, ngành đã tổ chức kiểm dịch giống tôm biển, cá tra giống, tôm thẻ chân trắng, nghêu giống... Qua đó, đã phát hiện một lượng đáng kể bị nhiễm bệnh.
Công tác kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản cũng được tăng cường, đã kiểm tra 34 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở sản xuất giống, 23 cơ sở kinh doanh giống và 1 cơ sở nuôi thương phẩm. Kết quả kiểm tra đã cấp 30 giấy chứng nhận đạt đủ điều kiện vệ sinh thú y cơ sở; có 1 cơ sở nuôi thương phẩm và 3 cơ sở kinh doanh giống không đủ điều kiện, Chi cục đã gửi thông báo kết quả kiểm tra và đề nghị cơ sở khắc phục lỗi theo đúng quy định.
Về nguồn thức ăn, thuốc hóa chất phục vụ cho nghề nuôi không ổn định, giá cả tăng liên tục, chất lượng chưa đảm bảo, đặc biệt là chi phí giá thành sản xuất luôn tăng, gây nhiều khó khăn cho người nuôi... cũng là những “rào cản” hiệu quả sự phát triển trên lĩnh vực thủy sản. Hiện nay, tình hình giá cả và thị trường tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn, giá bán tiếp tục giảm ở mức thấp nhưng giá thức ăn, thuốc hóa chất vẫn ở mức cao nên người nuôi không có lãi. Một số xã còn chậm trong việc củng cố Ban quản lý vùng nuôi; việc quản lý thời vụ, xả thải mầm bệnh và bùn đáy ao chưa tốt. Vẫn còn hiện tượng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống chưa chấp hành tốt các quy định về quản lý giống của tỉnh, chưa tự giác khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán, vi phạm lịch thời vụ thả giống của UBND tỉnh. Một số cơ sở nuôi mở rộng diện tích nuôi ngoài quy hoạch nhưng địa phương chưa xử lý kịp thời gây ảnh hưởng đến sản xuất chung của tỉnh. Chất lượng giống tôm biển kém hơn năm 2011 thể hiện qua kích cỡ nhỏ, độ phân đàn lớn, nhiễm MBV, nguyên sinh động vật tăng,... gây nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giống tốt phục vụ cho nghề nuôi.