Phát triển toàn diện quan hệ đối tác Việt Nam- WB

04/11/2011 - 13:44
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Một trang mới trong quan hệ đối tác Việt Nam- WB đã mở ra với mong muốn đưa mối quan hệ đối tác này lên tầm cao mới.

WB đóng góp tới hơn 20% tổng nguồn vốn ODA mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay.

Phát biểu khai mạc Hội nghị quan hệ hợp tác Việt Nam – Ngân hàng Thế giới (WB) sáng 4/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn: WB sẽ đồng hành đắc lực, hỗ trợ Việt Nam trong mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…

Tham dự hội nghị có Ngài James Adams, Phó Chủ tịch WB;-  Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam; các vị Đại sứ, đại diện các nhà tài trợ quốc tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Kể từ năm 1993 đến nay, cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA khoảng 64 tỷ USD, trong đó WB đóng góp tới hơn 20% với 117 chương trình và dự án tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như tư vấn chính sách và thể chế trong giai đoạn chuyển đổi sang kinh tế thị trường; phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Sự phối hợp chặt chẽ và hoạt động nhịp nhàng giữa các thành viên Nhóm WB, nhất là Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA) đã tạo ra nhiều phương thức tài trợ và công cụ tài chính đa dạng cho Việt Nam. Các chương trình và dự án do WB tài trợ đều đạt được các mục tiêu đề ra, tác động tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá  cao vai trò đầu tàu của WB trong việc vận động và điều phối viện trợ cho Việt Nam. Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu chiến lược cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020- Thủ tướng nêu rõ như vậy và nhấn mạnh một trang mới trong quan hệ đối tác Việt Nam- WB đã mở ra với mong muốn đưa mối quan hệ đối tác này lên tầm cao mới.

Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời cũng phải  đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đến nay hậu quả chiến tranh để lại cho Việt Nam còn rất nặng nề. Tuy đã đạt được một số thành tựu nhưng Việt Nam vẫn còn là nước nghèo với GDP thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 1.000 USD.

Việt Nam là một trong số ít nước chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong khi đó kết cấu hạ tầng vẫn còn thấp kém, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Để phát huy hết những tiềm năng, khắc phục những khó khăn và trở ngại nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra, Việt Nam mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, tập trung ưu tiên cho việc thực hiện ba khâu đột phá đã được đề ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội 2011 - 2020 bao gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào giao thông và hạ tầng đô thị.

Cùng với phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của Việt Nam trong quá trình phát triển và xây dựng mối quan hệ trên cơ sở hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Thủ tướng cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa  hợp  tác để cải thiện tình hình thực hiện các chương trình và dự án nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn hỗ trợ quý báu  của các nhà tài trợ nói chung và của WB nói riêng.

Với bề dày quan hệ giữa Việt Nam và WB đi  lên từ hợp tác trong giai đoạn ban đầu trở thành quan hệ đối tác như ngày nay, Thủ tướng tin tưởng triển vọng quan hệ đối tác Việt nam- WB trong tương lai sẽ ngày càng toàn diện.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch WB James Adams đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. WB đánh giá cao những quyết sách và bước đi nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cũng như trong hợp tác và hỗ trợ các đối tác hợp tác phát triển quốc tế…

Phó Chủ tịch WB James Adams khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của WB trong hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tư vấn chính sách và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển…/.  

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN