15 năm thực hiện Nghị quyết

Phát triển văn học, nghệ thuật tương xứng yêu cầu thời đại

29/03/2023 - 05:31

BDK - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới, nền VHNT tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, vận dụng sát luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” lĩnh vực “Thực hành và truyền dạy đờn ca tài tử Nam Bộ” cho 3 cá nhân tại sự kiện kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2022). Ảnh: Thanh Đồng

Trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” lĩnh vực “Thực hành và truyền dạy đờn ca tài tử Nam Bộ” cho 3 cá nhân tại sự kiện kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2022). Ảnh: Thanh Đồng

Những kết quả nổi bật

Kết quả qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, diện mạo nền VHNT tỉnh đã có những thay đổi, nghiêng nhiều hơn về các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Văn hóa, VHNT đã được quan tâm đầu tư dần tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế, từng bước xây dựng, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người Bến Tre.

VHNT có bước chuyển biến mới với nhiều hoạt động khá phong phú, đa dạng. Có những tác phẩm, với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, phục vụ khá tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Những tác phẩm VHNT tập trung phản ánh phong phú hiện thực cuộc sống, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; những gương điển hình tiêu biểu trong lao động, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển VHNT. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được triển khai thực hiện, với nhiều hình thức ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần định hướng phát triển tư tưởng, thẩm mỹ của người dân, tạo điều kiện cho VHNT phát triển tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

VHNT tỉnh tiếp tục dòng mạch chính trong sáng tạo là “Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”. Nội dung các tác phẩm tập trung vào phục vụ nhiệm vụ chính trị và ca ngợi con người, công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước, lao động sáng tạo của nhân dân. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy.

Hoạt động sáng tác VHNT trên địa bàn tỉnh phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều tác giả đã xuất bản được đầu sách riêng và có chất lượng; tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao ở khu vực và một số tỉnh bạn trong nước trên các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh...

Lĩnh vực nhiếp ảnh có nhiều tác giả đạt giải cao trong nước và ở quốc tế. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến các đối tượng để tham gia hoạt động, hưởng ứng.

Sau 15 năm, lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh tăng lên rõ rệt. Phát triển mạnh nhất ở hai lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật. Một số văn nghệ sĩ được đào tạo bài bản, chính quy, nhất là lĩnh vực sáng tác âm nhạc, múa, nhiếp ảnh, trong đó có nhiều tác giả trẻ. Hội viên địa phương từ số lượng chưa đến 100 người nay đã tăng lên 292 hội viên. Hội viên các hội chuyên ngành Trung ương từ 18 người nay đã đạt số lượng 65 hội viên Trung ương.

Công tác xã hội hóa hoạt động VHNT từng bước được quan tâm, đã vận động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và hội viên vào các hoạt động quảng bá, giới thiệu tác phẩm, in ấn xuất bản và các hoạt động VHNT mừng Đảng, mừng xuân hàng năm, góp phần tạo khí thế cho lực lượng văn nghệ sĩ trong sáng tác...

Việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy các loại hình VHNT dân gian như các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm. Hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở xã, ấp trong tỉnh tập trung tổ chức các sự kiện văn hóa cộng đồng là điều kiện tốt cho các diễn viên không chuyên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và từng bước khẳng định vị trí của bản thân trong phong trào văn nghệ của tỉnh nhà. Nhiều thiết chế văn hóa xã, ấp đã được khai thác và sử dụng có hiệu quả với các hoạt động VHVN, câu lạc bộ, đội, nhóm, sở thích từng bước khắc phục sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân giữa thành thị và nông thôn.

Nền tảng tinh thần

Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị trên lĩnh vực VHNT, nhất là kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc về phát triển VHNT, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ. 

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng phong phú, đa dạng.  Ảnh: Trung Hiếu

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng phong phú, đa dạng.  Ảnh: Trung Hiếu

Trong đó, có nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, VHNT. Thực hiện gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Từng bước nâng chất lượng công tác lý luận, phê bình VHNT để định hướng dư luận xã hội. Đấu tranh chống các khuynh hướng sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường, trái với đường lối VHVN của Đảng, Nhà nước.

Tổ chức các cuộc thi sáng tác, quảng bá, nhiều hoạt động văn hóa, VHNT phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Tập hợp và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Khuyến khích lực lượng hoạt động VHNT phát huy năng lực, sở trường, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao. Xây dựng và phát triển phong trào VHVN quần chúng. Đồng thời, định hướng, khuyến khích quần chúng tích cực tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị VHVN truyền thống. Định kỳ tổ chức và nâng cao chất lượng liên hoan đờn ca tài tử, các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở.

Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hoá, nghệ thuật; hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động VHNT, nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội dành cho VHNT. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí được nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa, VHNT có trình độ, năng lực, am hiểu sâu về lĩnh vực văn hóa, VHNT. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ được đi thực tế, học tập kinh nghiệm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động VHNT, tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao bám sát thực tiễn cuộc sống của nhân dân.

Phong trào văn nghệ quần chúng được quan tâm tổ chức đã giúp hướng dẫn, khuyến khích nhân dân lưu truyền và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, Bến Tre có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có 1 di sản về nghệ thuật trình diễn dân gian (Hát sắc bùa Phú Lễ) và có 3 nghệ nhân hoạt động lĩnh vực đờn ca tài tử, lưu giữ tri thức dân gian lĩnh vực sinh vật cảnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích