Phê bình và tự phê bình trong Đảng cần quan tâm chất lượng, hiệu quả

13/03/2012 - 09:38

Công việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên thật sự là vấn đề cấp bách của xây dựng Đảng hiện nay. Mặc dù việc làm này rất khó, phức tạp, vì nó đụng đến danh dự, lợi ích của cá nhân con người. Nhưng làm như thế là để bảo vệ danh dự, lợi ích của Đảng, của nhân dân.

Bác Hồ và Đảng ta luôn coi tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, một quy luật trong quá trình tồn tại và phát triển của Đảng. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhấn mạnh tự phê bình và phê bình ngoài những quan điểm trên, còn là một nội dung cấp bách, một biện pháp tích cực xây dựng Đảng hiện nay.

Từ lâu chúng ta luôn coi trọng công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng qua các thời kỳ và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác này còn nhiều hạn chế, vì thế Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đặt ra rất cụ thể phải tiến hành sâu rộng trong toàn Đảng từ trên xuống, từ dưới lên.

7 điểm cần khắc phục

Trước hết chúng ta nhận thức và khắc phục các thiếu sót, yếu kém của đấu tranh tự phê bình và phê bình biểu hiện ở những điểm chính sau.

Một là, tự phê bình và phê bình còn hình thức, không đi vào thực chất. Có chăng chỉ đặt ra vào dịp sơ kết, tổng kết cuối năm, bình bầu thi đua. Xu thế chung là “dễ người dễ ta”, vui vẻ cả; cần gì phải “đao to, búa lớn” căng thẳng, nặng nề mất lòng nhau. Kết quả đâu lại vào đấy, chẳng giải quyết vấn đề gì sau khi đã tiến hành tự phê bình và phê bình.

Hai là, tự phê bình và phê bình là dịp “đấu đá”, hạ bệ, trị lẫn nhau. Do vậy sinh ra đối phó, bới móc, thủ đoạn gây rối mất đoàn kết, chia bè, kéo cánh làm suy yếu Đảng. Do vậy người ta rất lo ngại khi đặt vấn đề tự phê bình và phê bình.

Ba là, phê bình tự phê bình không tự giác, miễn cưỡng, không vì mục tiêu xây dựng chỉnh đốn Đảng lâu dài. Chỉ nhân dịp đại hội, quy hoạch cán bộ, kiểm điểm sinh hoạt Đảng buộc phải làm theo sự chỉ đạo của cấp trên nên rất chung chung, “nín thở qua đò”. Cán bộ, đảng viên không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả mà chỉ thấy bắt buộc phải viết bản tự kiểm điểm, đọc trước chi bộ cho xong chuyện.

Bốn là, sự chạy chọt, nể nang, che chắn khi tự phê bình và phê bình. Thiếu tự giác trong đấu tranh phê phán với chính mình. Chủ quan, ngạo mạn, nịnh bợ, dựa dẫm vào cấp trên, ô dù che đỡ, trong khi đó lại hù dọa, tìm cách trị lại người phê bình mình.

Năm là, sự say mê quyền lực, ham hố, tha hóa, biến chất, muốn thâu tóm mọi quyền lực vào tay mình vì lợi ích riêng, nên bất chấp, coi thường dư luận, bỏ qua mọi sự góp ý phê bình của người khác. Tự mình đặt ra những quy định, quy chế, nguyên tắc có lợi cho thực hiện lợi ích, mưu cầu của cá nhân.

Sáu là, nóng vội, chủ quan, bỏ qua các nguyên tắc, các quy trình, các biện pháp phê bình có hiệu quả. Quy chụp những thiếu sót nhỏ thành các quan điểm chính trị làm to chuyện vì động cơ cá nhân. Dùng quyền lực khống chế, dùng “tay chân” đối phó với người đấu tranh phê bình mình.

Bảy là, mất dân chủ, không bình đẳng, thiếu công khai trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Tìm mọi cách giấu giếm, ngụy biện, biện minh, thanh minh cho khuyết điểm của mình, không thành khẩn, thành tâm tiếp thu ý kiến phê bình của người khác.

8 điều cần làm

Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục đấu tranh tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cần tập trung làm tốt những điểm chính sau.

Thứ nhất, nhận rõ tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, là quy luật của quá trình tồn tại, phát triển của Đảng. Mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng có những yêu cầu mới về nhận thức, hành động. Vì thế tự phê bình và phê bình là giúp ta tự thoát ra khỏi những gì bất cập, lạc hậu để vươn tới đáp ứng những yêu cầu mới. Nếu ai đó không nhận rõ quy luật này, ắt sẽ bị đào thải như Bác Hồ đã chỉ rõ. Đây là sự thống nhất biện chứng của quy luật tồn tại, phát triển của mỗi đảng viên với toàn Đảng.

Thứ hai, thực hiện lời Bác Hồ dạy, coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Không nên coi phê bình, tự phê bình là “có vấn đề”, là ghê gớm, nặng nề, căng thẳng. Do vậy phải có động cơ đúng trong tự phê bình và phê bình. Người được phê bình và người đi phê bình đều vì sự phát tiến bộ, sự trong sạch của bản thân, của đồng chí và của toàn Đảng.

Thứ ba, kết hợp hài hòa giữa tự phê bình và phê bình. Đây là hai phạm trù khác nhau, nhưng không tách rời nhau; là hai mặt của một vấn đề. Chỉ có tự phê bình tốt, có mục đích, động cơ, thái độ tốt thì khi phê bình người khác mới chân thực, chính xác, khách quan, trong sáng, lành mạnh. Ngược lại người có ý đồ xấu, không dám tự phê bình thì việc phê bình người khác sẽ không thể đúng đắn. Cho nên tự phê bình và phê bình là hai tác động đồng thời, đồng thuận, không đối lập nhau. Nội dung phê bình phải sâu sắc, chính xác, có căn cứ và người được phê bình phải thoát khỏi tự ái của cái tôi nhỏ bé, tầm thường mà nghiêm túc thấy rõ trách nhiệm cá nhân với Đảng, với dân, với nước. Người có trách nhiệm càng cao, trách nhiệm này càng phải rất sâu sắc.

Thứ tư, đổi mới phương pháp phê bình, tham gia góp ý. Kết quả của việc phê bình, tự phê bình là sự tiếp thu, chuyển biến tốt, khắc phục hạn chế, phát huy vai trò cá nhân trong cương vị của mình. Người đi phê bình và người được phê bình phải tin nhau, quý nhau, vì sự tiến bộ của nhau. Khi nhận xét, góp ý phê bình phải cân nhắc kỹ điều kiện, hoàn cảnh của sự việc cần phải phê bình. Không chủ quan, cố chấp, thiếu khách quan thiếu trách nhiệm, mà phải thật sự có lý, có tình.

Thứ năm, nghiêm túc kiểm tra, xem xét kỹ những nội dung được phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đúng, kiên quyết sửa chữa, khắc phục trong thời hạn nhất định. Người được góp ý phê bình không chủ quan, bảo thủ, không tự ái cá nhân, cho mình là lãnh đạo, là cấp này, chức nọ mà bị phê bình, mà sinh tự ái, quanh co, từ chối hoặc lặng im bỏ ngoài tai tất cả, coi thường tập thể, coi thường tổ chức.

Thứ sáu, các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng qua theo dõi, kiểm tra, giám sát phải có những gợi ý cụ thể với từng người cụ thể cần tự phê bình, làm rõ những vấn đề gì, vì sao, hướng khắc phục như thế nào. Đồng thời có những quy định cụ thể, gắn với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của người được phê bình và định thời gian khắc phục. Nếu họ không tiếp thu, không khắc phục cần phải có hình thức, biện pháp xử lý nghiêm minh.

Thứ bảy, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia kiểm tra, kiểm soát, phê bình góp ý cho cán bộ, đảng viên. Đây là một “kênh” rất quan trọng vì nhân dân là lực lượng đông đảo, rộng khắp, họ thấy rõ, thấy đầy đủ những thiếu sót cần phải phê bình góp ý cụ thể cho ai, góp cái gì, góp thế nào…

Thứ tám, toàn Đảng, toàn dân coi việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên thật sự là vấn đề cấp bách của xây dựng Đảng hiện nay. Mặc dù việc làm này rất khó, phức tạp, nó đụng đến danh dự, lợi ích của cá nhân con người. Nhưng làm như thế là để bảo vệ danh dự, lợi ích của Đảng, của nhân dân; không để vì danh dự lợi ích của cá nhân ai đó làm mất đi lợi ích của nhân dân, làm hoen ố danh dự của Đảng. Vì thế đây là cuộc đấu tranh, là sinh hoạt tư tưởng tất yếu của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng hiện nay.

PGS. TS Trần Quang Nhiếp

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN