Mùa thi đại học, cao đẳng năm 2013, Bến Tre có trên 20.400 thí sinh đăng ký dự thi (2 đợt). Kỳ thi đợt 1 (ngày 4, 5-7), đợt 2 (ngày 9,10-7) vừa đi qua với bao niềm vui, hồi hộp và cả lo âu của thí sinh và phụ huynh.
Phía sau mùa tuyển sinh là khát vọng cháy bỏng của bao học sinh vươn lên trên con đường học vấn. Tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng là mốc thời gian quan trọng của học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mùa thi đại học, cao đẳng năm nay, thí sinh địa phương được chuẩn bị tốt hơn về tâm lý bởi công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong, ngoài tỉnh được đẩy mạnh và có tính cạnh tranh cao. Nhiều trường THPT tại các huyện vùng sâu, vùng xa đã linh hoạt bố trí cho các đoàn tư vấn tuyển sinh phù hợp lịch học tập, sinh hoạt của học sinh, nhất là học sinh lớp 12. Học sinh THPT có thêm nhiều điều kiện nắm bắt thông tin trước khi làm hồ sơ đăng ký thi đại học, cao đẳng. Nguyên tắc lựa chọn “3 vừa” (chọn trường thi vừa sức, vừa phù hợp sở thích, sở trường và vừa phù hợp điều kiện hoàn cảnh gia đình) được đa số thí sinh vận dụng. Học sinh cũng khá nhạy bén trong nắm bắt thông tin các qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hạn chế tuyển sinh các khối ngành Kinh tế - Tài chính, thực hiện qui định mới về điều kiện học liên thông từ cao đẳng lên đại học, cách tính điểm trúng tuyển trong mối quan hệ với điểm sàn…
Với thí sinh Bến Tre, hai đợt thi đại học vừa qua là thời gian thử thách, trải nghiệm lớn về cả áp lực thi cử và nhiều khía cạnh cuộc sống bên cạnh việc thi cử. Do không được sắp xếp thi trong cụm thi tại thành phố Cần Thơ như thí sinh 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác, thí sinh Bến Tre đăng ký vào trường nào thì đến thi tại trường đó nên việc di chuyển địa điểm nơi ăn, chốn ở khá vất vả. May mắn cho thí sinh nào được các Đội thanh niên tiếp sức mùa thi giúp đỡ chỗ ở trọ miễn phí hoặc giảm giá thuê, không phải chịu cảnh đi đâu cũng bị “chặt, chém” hoặc cò mồi trục lợi. Thương nhất là cảnh cha mẹ, người thân trong gia đình chăm sóc các sĩ tử mùa ứng thí. Mùa thi đại học càng tỏa sáng tình mẹ tình cha tất cả vì tương lai con cái dẫu phải chấp nhận bao vất vả, lo toan, thức khuya dậy sớm, thậm chí phải vay mượn tiền để đưa con đi thi. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, bậc làm cha mẹ có trách nhiệm cho mọi công việc liên quan đến cơm áo gạo tiền, chi tiêu phải “thắt lưng buộc bụng”, song riêng việc ứng thí của con là quan trọng nên gia đình cố gắng hết sức với hi vọng con cái sau này công thành danh toại, đỡ vất vả như mẹ cha một đời lam lũ. Có lẽ, với các gia đình khó khăn vùng sâu vùng sâu, vùng xa sẽ còn lặp lại nhiều năm nữa nỗi lo trắc ẩn: Con mình có thi đậu đại học hay không? Nếu con thi đậu đại học thì lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học? Rồi khi con học xong đại học liệu có xin được việc làm hay không?
Những trăn trở và bài học kinh nghiệm phía sau mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay là gì? Bên cạnh biết bao nỗ lực của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, sự quan tâm của xã hội nói chung, bản thân mỗi thí sinh đi thi đều có thể “tự vấn” để hiểu thêm sức học, động lực học tập, bản lĩnh người đi ứng thí. Bình tĩnh, tự tin, có tâm thế chuẩn bị thi tốt và “cháy hết mình” với kỳ thi thì thành công là điều có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thí sinh chưa thực sự chủ động khi tham gia kỳ thi quan trọng này; hoặc là “nước đến chân mới nhảy”, gần đến kỳ thi mới học cố, học ép; hoặc chưa có phương pháp học phù hợp từng môn thi; vẫn còn hiện tượng học sinh chưa thích nghi với áp lực của sự thay đổi môi trường học tập, thi cử khi xa trường, xa gia đình. Có hay không thí sinh đi thi đại học chỉ chạy theo phong trào mà chưa chuẩn bị tốt cho kỳ thi? Có phải vì định hướng nghề nghiệp còn mơ hồ nên thí sinh chưa tạo được động lực xuyên suốt dẫn đến kiểu học đối phó, thiếu kiên trì, kiến thức nền vững chắc. Trong khi đó, theo các chuyên gia: những điểm mới trong kỳ thi đại học 2013 là sự đổi mới cấu trúc đề thi tạo cơ hội cho thí sinh có tư duy tổng hợp, suy luận tốt và luôn sáng tạo trong học tập. Đề thi tuyển sinh năm nay tập trung kiểm tra năng lực thực hành, vận dụng kiến thức, đề có khả năng phân loại cao để chọn lọc thí sinh. Riêng đề thi các môn khoa học xã hội nhân văn có cải tiến ra đề hướng mở với mục tiêu để thí sinh không phải học theo kiểu thuộc lòng nhiều, tạo áp lực cho học sinh.
Hiện nay, một bộ phận thí sinh sau khi tham dự kỳ tuyển sinh đại học lại tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi đợt 3 (ngày 15, 16-7) dành cho các trường khối Cao đẳng. Trong thời gian này, các Hội đồng tuyển sinh các trường đại học tổ chức khẩn trương chấm bài thi để công bố điểm vào cuối tháng 7, chuẩn bị gửi giấy báo trúng tuyển, thông báo thời gian nhập học cho các tân sinh viên. Năm học mới 2013-2014 sắp bắt đầu.
Thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 24 về sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên qui định trong Qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo Thông tư này, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đối tượng được ưu tiên khi thi đại học, cao đẳng. Tuy rằng đối tượng ưu tiên này không nhiều nhưng chính sách mang tính nhân văn này được xã hội trân trọng; đồng thời mỗi thanh niên, học sinh cần suy ngẫm để không nguôi ngoai con đường vươn lên trong học vấn và sự nghiệp.
Phía sau mùa tuyển sinh đại học 2013 vẫn còn nhiều vấn đề để gia đình - nhà trường - xã hội phải quan tâm. Quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của nước nhà đang được hiện thực hóa. Trong đó, cách ra đề thi đại học năm nay theo hướng tăng khả năng vận dụng kiến thức, dạng đề mở, tính phân loại cao tất yếu cách học, cách dạy ở trường phổ thông phải thay đổi. Hiện nay, các trường THPT cần định hướng, tư vấn cho học sinh chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành Kinh tế - Tài chính, Ngân hàng. Đồng thời, sắp tới, cũng sẽ tạm dừng xem xét những hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở các trình độ cao đẳng, đại học. Vấn đề giải quyết đào tạo theo chất lượng thay thế đào tạo theo số lượng, mối quan hệ giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên sau đào tạo, chính sách đối với các ngành đào tạo cần được ưu tiên, sự cân đối trong thực hiện qui hoạch các trường đại học, cao đẳng địa phương… đang là những bài toán cần tiếp tục giải quyết sau mùa tuyển sinh năm 2013.