|
Một góc phố chợ. |
Bài 1: Phố chợ có cả nét văn hóa của phố và văn minh của chợ
Bài 2: Phố chợ tự hào: Hàng hóa của “ta” sản xuất
Nguồn gốc của hầu hết các loại hàng hóa tại phố chợ Phường 2, TP. Bến Tre là được sản xuất trong nước.
Chợ phố ngày xưa
Xác định hàng hóa nhằm mục đích phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp - ngành kinh tế chủ yếu của địa phương, vì thế những mặt hàng được đem ra chợ bán đầu tiên là những vật cồng kềnh, như: cuốc, xẻng, lưỡi cày, dao, búa, thùng tưới, gàu tưới, lưỡi câu, lưới, mành… cho đến hạt giống, đường đậu, đồ gia dụng. Khi đường bộ còn trắc trở, phương tiện xe cộ chưa phát triển, người ta có thể tận dụng lợi thế đường sông để hoạt động vận tải với các phương tiện đường thủy như ghe, đò. Đó cũng là một trong những lý do chính yếu để người dân quyết định lập chợ tại đây.
Cũng giai đoạn này, chợ phố còn là đầu mối quan trọng để cung cấp sỉ hàng hóa cho các chợ huyện, chợ lẻ. Hoạt động bốc dỡ hàng hóa trên Bến Lở càng trở nên tấp nập và náo nhiệt. Nhiều người từng trải hoặc từng chứng kiến nhớ lại: Thời ấy, sống ở đây rất dễ kiếm tiền. Không có sạp bán cũng có thể sống được nhờ vào khuân vác hàng ngày. Kể cả nữ cũng có thể tham gia nếu phù hợp sức vóc. Nơi đây càng trở thành điểm tập trung đông đúc của giới lao động bằng tay chân hoặc những người xuất thân nghèo khó, không có đất sản xuất…
Còn đối với người bán, chợ này cũng không ngoại trừ những người dân từ trong các vùng quê thuộc các huyện Mỏ Cày, Chợ Lách, Giồng Trôm kéo nhau ra bán. Và ngược lại, hàng hóa cũng được huy động từ các tỉnh khác về để tạo nên sự đa dạng, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân “ba dải cù lao”. Tuy nhiên, không phải vì lý do đó khiến chợ trở nên hỗn độn, nhốn nháo.
Một tiểu thương bán mặt hàng đường cho biết, đường thùng được lấy từ huyện Mỏ Cày Nam, vì nơi này có diện tích trồng mía rất lớn, có nhiều nhà che, cối kết, làm ra đường. Đường cát được lấy từ Công ty mía đường Bến Tre là chủ yếu. Tiểu thương kinh doanh mặt hàng thiếc, lưới cho hàng hóa bày bán là hàng gia công tại địa phương, hoặc tại Tiền Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh… Đây là những mặt hàng do người dân bản xứ sản xuất. Vào thời điểm cuối năm, mặt hàng thùng thiếc vòi sen bán rất chạy, bởi đây là lúc nông dân ồ ạt chăm sóc vườn hoa kiểng để chuẩn bị đón Tết.
Phố chợ hôm nay
Khi Thị xã Bến Tre được công nhận là thành phố loại 3 (năm 2010), khu chợ ngành hàng cũng được chỉnh trang chỉn chu và đổi tên thành phố chợ “đúng điệu” với dáng vấp bề thế và không khí nhộn nhịp của nó.
Quyện hòa với sự phát triển và thích nghi trong giai đoạn mới, phố chợ vẫn lưu giữ và phát huy cái đẹp, nét riêng biệt - làm nên bản chất của nó. Cửa hiệu Sơn Hà nằm trên đường Lê Lợi, ngoài kinh doanh mặt hàng chủ lực là các loại đường, còn bán nhiều mặt hàng khác, như: các loại sữa, bánh kẹo, muối, nước mắm, thực phẩm công nghiệp, gạo… Chủ cửa hiệu Sơn Hà tự hào: Xưa nay, chúng tôi chỉ lấy hàng hóa có xuất xứ là Việt Nam. Hàng Việt bây giờ càng có những mặt hàng chất lượng cao hơn xưa rất nhiều, giá cả rất hợp lý đối với khả năng tiêu dùng của người dân Việt. Với niềm tự hào đó của nhiều tiểu thương cùng những kho hàng được sản xuất trong nước, phố chợ đã sẵn sàng cho ý tưởng của người tiêu dùng: Tôn vinh hàng Việt.
Phố chợ hôm nay cũng giàu có hơn, sang trọng hơn trong mắt khách hàng bởi có nhiều điểm kinh doanh vàng, bạc, nữ trang quý giá. Ngoài xen kẽ trong các dãy chợ, những cửa hiệu kinh doanh vàng cũng có một khu vực tập trung.
Bán sỉ hay bán lẻ phụ thuộc vào nhu cầu mua sắm. Những tiểu thương của phố chợ luôn thành công khi đoán biết được cần phải phục vụ “thượng đế” của mình những sản phẩm hàng hóa gì. Đó là niềm vui chung khi phố chợ TP. Bến Tre đặc đầy những thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.