Phó thủ tướng thị sát tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre

03/01/2021 - 07:32

Ngày 2-1-2021, sau khi dự lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh của tỉnh Bến Tre, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đi thăm một số đoạn trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nghe lãnh đạo tỉnh đề xuất xây cầu, thay thế Bến phà Bình Tân, xã Thới Bình, huyện Bình Đại.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nghe lãnh đạo tỉnh đề xuất xây cầu, thay thế Bến phà Bình Tân, xã Thới Bình, huyện Bình Đại.

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh là một phần của tuyến đường hành lang ven biển phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại Bến Tre, tuyến đường đi qua 3 con sông lớn, gồm: sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, qua đó tạo nên tuyến vành đai kinh tế ven biển quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc Đồng bằng sông Cửu Long.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho biết, tuyến đường bộ ven biển hiện là nơi giao của các tuyến giao thông quốc gia, như phía Bắc kết nối với tỉnh Tiền Giang thông qua QL 50, sau đó nối kết với QL 1A đi Long An, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; phía Nam nối với tỉnh Trà Vinh thông qua QL 53, QL 54 và cầu Cổ Chiên hiện đang khai thác và tiếp tục đi xuống Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; phía Tây kết nối với Vĩnh Long và Đồng Tháp thông qua mạng lưới giao thông trục ngang hiện đang được nâng cấp và phát triển.

Mạng lưới đường cao tốc trục ngang dự kiến được hình thành trong giai đoạn 2025 - 2030, như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu sẽ kết nối với trục dọc cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sẽ tạo sức hút giao thông hướng về tuyến đường bao ven biển đang được các địa phương khu vực đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2025 - 2030.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, những năm gần đây, lưu lượng giao thông trên các tuyến trục dọc và trục ngang trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long tăng rất cao, nhưng hạ tầng giao thông hiện chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa. Do đó khi tuyến đường hành lang ven biển kết nối Bến Tre với TP. Mỹ Tho và các tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau hình thành sẽ tạo thuận lợi cho vùng phát triển.

Với Bến Tre, tuyến đường bao biển chiều dài khoảng 68km này đóng vai trò rất quan trọng cho tỉnh trong phát triển kinh tế ven biển, phát triển hệ thống cảng và giao thông vận tải đường biển, gắn kết với các cảng biển của vùng.

Đồng thời, góp phần đảm bảo An ninh quốc phòng; phát triển các đô thị và cụm du lịch đang được quy hoạch, như khu du lịch Quốc Gia Cồn Phụng và Cồn Quy, Cồn Phú Bình ở huyện Chợ Lách, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Ốc ở huyện Giồng Trôm, Khu du lịch bảo tồn văn hóa đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre và huyện Thạnh Phú…

Để tạo điều kiện cho Bến Tre phát triển, lãnh đạo tỉnh mong Chính phủ quan tâm, có những chỉ đạo để các bộ, ngành liên quan sớm triển khai đầu tư tuyến đường bộ ven biển này nhằm kết nối mạng lưới giao thông trong vùng.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh giới thiệu về những lợi ích của tuyến đường, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, nếu được đầu tư sớm, tuyến đường hành lang ven biển phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo điều kiện khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có và nhất là sau khi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và tới đây là kéo dài tới Mỹ Thuận và Cần Thơ hoàn thành.

Qua đó, giúp các tỉnh trong vùng khai thác tốt nhất tiềm năng phát triển kinh tế biển; thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế biển, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với những nguy cơ của biến đổi khí hậu.

Theo đề xuất của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư thông tuyến từ Bến Tre đi qua Tiền Giang đến TP. Hồ Chí Minh, bao gồm đầu tư các cầu vượt sông Ba Lai, Cửa Đại, Cửa Tiểu… Giai đoạn sau năm 2025, tiếp tục đầu tư nâng cấp tuyến đường theo quy mô, tiêu chuẩn cấp II đồng bằng và đầu tư cầu Hàm Luông.

PV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN