Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn
‘4 trung tâm, 5 trụ cột’ để Thanh Hoá phát triển
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cho biết: Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 17,15%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách đạt hơn 28.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.325 USD, toàn tỉnh có 6 đơn vị huyện đạt nông thôn mới, 350 xã nông thôn mới (chiếm 61% số xã toàn tỉnh), huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế được tăng cường, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện đầu tư công có nhiều chuyển biến.
Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục mũi nhọn đạt nhiều thành tích cao, chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên, các chính sách an sinh xã hội ngày càng được quan tâm chăm lo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được triển khai nghiêm túc, đạt kết quả quan trọng. Theo đó, đã sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn 559 xã, phường, thị trấn (giảm 76 xã), giảm 153 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và 92 đơn vị sự nghiệp cấp huyện, 225 đơn vị sự nghiệp bảo đảm một phần kinh phí hoạt động, tinh giản biên chế 447 người, triển khai đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã.
Các đại biểu cho rằng Thanh Hoá là địa phương có khát vọng phát triển và đang nỗ lực hiện thực hoá khát vọng đó bằng những kết quả rõ ràng, cụ thể.
Những năm gần đây, tỉnh có sự bứt phá ngoạn mục khi dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển toàn diện từ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đến văn hoá, xã hội. Năm 2019, tỉnh thu ngân sách đạt gần 28.900 đồng, gấp gần 7 lần năm 2010. Thu nội địa tăng rất lớn, đạt đến 19.300 tỷ, gấp gần 10 lần trong 9 năm từ 2010-2019 cho thấy nội lực ngày càng mạnh của nền kinh tế. Thanh Hoá cũng là tỉnh đi đầu cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển tổng thể thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Thanh Hoá xác định “4 trung tâm” là Nghi Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn-Sao Vàng và “5 trụ cột” phát triển là chế biến-chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm du lịch nổi trội, trung tâm y tế chất lượng vừa túi tiền và xây dựng hệ thống hạ tầng hợp nhất… cho thấy tư duy, tầm nhìn và hành động quyết liệt của tỉnh trong việc quyết tâm đưa Thanh Hoá phát triển.
Thanh Hoá cũng là tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao về việc quan tâm đến liên kết vùng và được khuyến khích để trở thành hình mẫu về liên kết vùng.
Một điểm nổi bật nữa là Thanh Hoá đi đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Cùng một mặt bằng chung về cơ chế, thể chế nhưng Thanh Hoá đã giải ngân rất tốt, đạt trên 90% trong khi nhiều tỉnh, thành khác tỷ lệ giải ngân rất thấp. Tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo để thu hút tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển và năm 2019, tỉnh huy động được đến 125.000 tỷ đồng.
Năm qua, số doanh nghiệp dừng hoạt động quay trở lại hoạt động của Thanh Hoá nhiều nhất cả nước với 1.697 doanh nghiệp. Thanh Hoá cũng đi đầu về sáp nhập thôn, bản, phố, xã, phường, thị trấn và thành tích giáo dục mũi nhọn. Đây thực sự là những số liệu ấn tượng cho thấy sự phát triển vượt bậc của Thanh Hoá.
Các đại biểu cũng đề nghị Thanh Hoá phát triển kinh tế nhưng phải gắn với phát triển bền vững và phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau. Tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt yêu cầu, cơ cấu nông nghiệp chiếm tỉ lệ 10,9%, nhưng 81% người dân sống bằng nông nghiệp và ở khu vực nông thôn.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vừa qua tăng tốt, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năng lực quản trị hành chính công tăng nhiều, nhưng băn khoăn về chỉ số cải cách hành chính có tăng nhưng chưa đáng kể.
Tỉnh cũng quan tâm, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt gần 95%, đây là tỷ lệ rất tốt. Kinh nghiệm cho thấy địa phương nào quan tâm đến vấn đề giải quyết đơn thư địa phương đó sẽ ổn định. Thanh Hoá là tỉnh đi đầu trong xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, với số lượng các vụ đã xử lý hình sự cao nhất cả nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương, đánh giá cao những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được trong năm 2019. Qua đó, đã làm thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế của địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được quan tâm, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình phát triển mà tỉnh cần sớm khắc phục thời gian tới.
Đó là, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào tăng quy mô sản xuất, tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm được đầu tư.
Các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh của tỉnh thiếu tính ổn định, chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ, phục vụ chuỗi sản xuất, công nghệ cao.
Vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý đất đai, khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số địa phương; nhiều dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng triển khai chậm.
Đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của tỉnh năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh cần tận dụng những cơ hội mới của đất nước, khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế riêng, đặc thù của tỉnh, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, tỉnh tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, có kế hoạch hành động trên từng ngành, lĩnh vực, từng chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, bảo đảm hoàn thành và vượt kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 đã đề ra.
Tỉnh phải là địa phương đi đầu của cả nước triển khai lập quy hoạch tỉnh; cần lưu ý quy hoạch tỉnh phải phù hợp với khả năng huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các khu vực trong tỉnh; bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Không để phát sinh ‘điểm nóng’, tạo môi trường ổn định cho phát triển
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Thanh Hoá cần thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế, hạ tầng, thông tin nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế. Kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các vấn đề và vụ việc phức tạp liên quan an ninh trật tự, không để trở thành “điểm nóng”, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội. Nếu không giải quyết được các vấn đề bức xúc của nhân dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của địa phương.
Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị và Luật Tiếp công dân; tăng cường đối thoại, tiếp dân tại nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân ngay từ khi mới phát sinh. Chính quyền các cấp quan tâm, dành thời gian thích hợp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp, đặc biệt là các khiếu nại, tranh chấp đất đai.
“Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, có cơ chế thông thoát, cởi mở để thu hút doanh nghiệp trong nước và FDI có năng lực tài chính, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Xác định rõ quan điểm, không vì phát triển nóng mà hy sinh vấn đề môi trường, gây hậu quả lớn trong nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, có đối sách với phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhất là sản xuất hàng cấm, tiền chất ma túy, kịp thời tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý.
Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình an ninh, trật tự, kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Chuẩn bị chu đáo mọi mặt để nhân dân đón tết Canh Tý năm 2020 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực đã cho ý kiến và giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo điều kiện để tỉnh Thanh Hoá phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn: chinhphu.vn