Phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh

12/01/2024 - 05:52

BDK - Mùa này thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rõ rệt. Đây là một trong những nguy cơ làm gia tăng các bệnh ở trẻ, trong đó có bệnh về đường hô hấp. Để con trẻ tránh xa tác nhân gây bệnh, các bậc phụ huynh cần quan tâm biện pháp phòng bệnh là điều vô cùng quan trọng.

Nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa.

Nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa.

Bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi

Đưa trẻ đi thăm khám, điều trị tại Phòng khám Nhi đồng thành phố (xã Sơn Đông, TP. Bến Tre), chị Đinh Thị Tuyết Nhung (Châu Thành) cho hay: Bé nhà chị được 11 tháng tuổi. Hai hôm nay, bé thở khò khè, chị cho bé nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý nhưng tình trạng không cải thiện. Bé có biểu hiện ho nhẹ nên chị đưa bé đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm.

Khảo sát trong buổi sáng 10-1-2024 tại Phòng khám Nhi đồng thành phố, có trên 30 trường hợp bé nhỏ từ vài tháng tuổi đến khoảng 7 tuổi đến thăm khám, điều trị. Hầu hết các bé có chung triệu chứng như: chảy mũi nước, khò khè, ho... Bác sĩ Đinh Thị Cẩm Nhung - Bác sĩ điều trị tại Phòng khám Nhi đồng thành phố cho biết: Viêm đường hô hấp là nhiễm trùng của đường thở từ tai, mũi, họng cho đến các đường dẫn khí khác như: thanh quản, khí quản, phế quản… Viêm đường hô hấp được chia thành 2 nhóm: viêm đường hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm họng, thanh quản…) và viêm đường hô hấp dưới (viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi…).

Bệnh đường hô hấp trên có thể gây ra bởi vi-rút, vi khuẩn, bụi, khí độc, nấm mốc... Bệnh thường khởi phát bởi một loại vi-rút trước đó, sau đó bội nhiễm vi khuẩn, gây nên tình trạng viêm họng và nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ngoài ra, vẫn có một số yếu tố nguy cơ khác: lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, môi trường sống... làm gia tăng khả năng xâm nhập của vi-rút, vi khuẩn gây bệnh. Đối với trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non tháng, trẻ có thể trạng suy dinh dưỡng, còi xương hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch thường dễ bị vi-rút tấn công gây bệnh.

Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp ở trẻ em rất đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể hôn mê, co giật… thậm chí có thể gây tử vong.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh lý viêm đường hô hấp trên đã gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm. Theo số liệu thống kê, trung bình một đứa trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp trên từ 4 - 6 lần/năm, khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.

Các biện pháp phòng bệnh

Theo thông tin truyền thông của Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, phụ huynh cần chú ý việc giữ ấm cơ thể cho trẻ đúng cách để phòng bệnh hô hấp. Khi thời tiết trở lạnh, lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài. Mặc thêm áo ấm, áo khoác, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm... Đồng thời lưu ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

Trẻ cần được ăn uống đầy đủ, nhất là những trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ. Dinh dưỡng đầy đủ đóng vai trò quan trọng với miễn dịch chung cho trẻ. Một số vi chất thiết yếu trong cơ thể như: Vitamin, khoáng chất không thể thiếu để giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động một cách bình thường. Do đó cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ trong một chế độ ăn cân đối.

“Với các trẻ biếng ăn, các mẹ nên bổ sung từ các nguồn thực phẩm bổ sung, các công thức thuốc bổ tổng hợp và các chế phẩm thảo dược chuẩn hóa, có tác dụng chống biếng ăn cho trẻ. Chú ý cho trẻ uống đủ nước, có những trường hợp trẻ không khát thì vẫn cần đủ lượng nước. Nếu trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khỏe mạnh bệnh sẽ rất khó tấn công”, bác sĩ Dương Ngọc Loan Thy - Bác sĩ Khoa Dinh dưỡng và phòng chống bệnh không lây, CDC tỉnh cho hay.

Ngoài những biện pháp đặc hiệu phòng bệnh nêu trên, các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo rửa tay cũng là một trong những cách hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây quan trọng của các bệnh này là qua trung gian bàn tay nhiễm bẩn. Do đó, cần cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Bác sĩ Đinh Thị Cẩm Nhung đặc biệt lưu ý: Cần tránh để trẻ tiếp xúc gần với người lớn hay trẻ khác đang cảm ho, dù chỉ là cảm ho thông thường. Vi-rút gây bệnh viêm phế quản là loại vi-rút có khả năng lây lan cao và gây bệnh cho mọi người. Tuy chỉ có biểu hiện của cảm ho thông thường nhưng sẽ là nguồn lây bệnh quan trọng cho trẻ nhỏ. Trong khi trẻ dưới 2 tuổi nhiễm vi-rút này sẽ bị viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Ở trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và diễn tiến rất nhanh. Khi con có các dấu hiệu của bệnh như: sốt, ho, phụ huynh không mua thuốc về tự điều trị mà hãy cho trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hầu hết những tác nhân vi-rút gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ em đều đã có vắc-xin phòng bệnh. Ngoài các loại vắc-xin thông thường bắt buộc phải tiêm cho trẻ, có một số loại vắc-xin mà các bậc phụ huynh nên bổ sung thêm cho trẻ để ngăn ngừa bệnh hô hấp như: vắc-xin phòng cúm, vắc-xin sởi... vì đây cũng là những tác nhân hay gây viêm phổi nặng. Các loại vi khuẩn gây viêm phổi nặng có thể phòng ngừa được là: phế cầu, HiB, lao, bạch hầu, ho gà...

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN