Phòng, chống các tội phạm về chiếm đoạt tài sản

14/11/2014 - 07:00

ĐBQH Tỉnh Bến Tre Trịnh Thị Thanh Bình phát biểu ý kiến về dự thảo Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: CTV

Sáng 11-11-2014, Quốc hội thảo luận toàn thể ở hội trường về Dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đa số ý kiến của đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đề nghị việc ban hành luật này phải tạo ra một sự đột phá về thể chế, để bảo toàn và phát triển vốn, tránh thất thoát, sử dụng vốn của Nhà nước hiệu quả hơn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát không có nghĩa là can thiệp quá sâu bằng mệnh lệnh hành chính vào công việc điều hành, quản lý của doanh nghiệp. Không được làm ảnh hưởng đến công việc thường xuyên và không làm ảnh hưởng đến quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình - đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh Bến Tre đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và có biện pháp đảm bảo cơ sở để xử lý vi phạm đối với các hành vi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp, trong đó có phần vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, có những điều, khoản quy định rất rõ về loại tội phạm về tham nhũng và loại tội phạm về chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, khi các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết những vụ án về chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có phần vốn của Nhà nước thì các cơ quan bảo vệ pháp luật gặp khó khăn trong xác định tội danh, giá trị tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, dẫn đến khó khăn trong việc xác định quan hệ pháp luật bị xâm hại và người bị hại. Cái nào là phần của Nhà nước, cái nào là của tư nhân. Tỷ lệ vốn của doanh nghiệp tại thời điểm có hành vi chiếm đoạt xảy ra để xác định tội phạm tham nhũng hay chỉ là một tội phạm chiếm đoạt tài sản thuần túy. Điều này quyết định đến việc định tội, lượng hình, quyết định đến việc phòng, chống tham nhũng khi có hành vi xâm hại đến tài sản của Nhà nước. Cho nên hiệu lực, hiệu quả về bảo vệ tài sản của Nhà nước, chống tham nhũng cũng còn hạn chế. Cũng vì vậy, trong nhiều trường hợp thường quy về tội “cố ý làm trái”, áp dụng tương đối phổ biến. Nhân dân theo dõi về tình hình xử lý các trường hợp chiếm đoạt tài sản trong doanh nghiệp mà có phần vốn góp của Nhà nước cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này. Bởi vì thực tế phần vốn của Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, trong quá trình quản lý, sử dụng thì tỷ lệ này không phải giữ như ban đầu, có sự thay đổi liên tục về phần tỷ lệ trong tổng số vốn của doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp có thể giảm đi, không giữ được tỷ lệ như góp vốn ban đầu.

Để phòng, chống các tội phạm về chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng có hiệu quả, đại biểu cho rằng khi sửa Bộ luật Hình sự, các cơ quan có trách nhiệm cũng sẽ quan tâm, xem xét, nhưng để có cơ sở xác định ngay trong luật này thì đề nghị cần xem xét, bổ sung về trách nhiệm của cơ quan, đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.

Kiến nghị đưa vào Điều 43 của Dự thảo một khoản về việc xác định giá trị, tỷ lệ phần vốn góp Nhà nước, giá trị tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt trong doanh nghiệp tại thời điểm có hành vi vi phạm xảy ra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, vì trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu rất cụ thể. Nhà nước đã giao trách nhiệm quản lý thì phải biết là Nhà nước còn lại gì ở trong doanh nghiệp và bị mất gì khi có hành vi vi phạm xảy ra để bảo vệ khối tài sản này, xử lý các hành vi vi phạm cho đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đặc biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Thùy Trang (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN