Phòng, chống dịch bệnh trong mùa nắng

19/03/2014 - 13:32
Trong mùa nắng, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện. Ảnh: Phan Hân

Trong mùa nắng, các dịch bệnh dễ phát triển và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, mà đặc biệt là trẻ em. Để bảo vệ con em mình, các bậc phụ huynh cần chủ động phòng bệnh trước khi phát hiện dịch bệnh.

Mùa hè, nhiều bệnh có thể xảy ra cho mọi đối tượng từ trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành và người cao tuổi. Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người, nhất là trẻ em và người cao tuổi, vì có sức đề kháng yếu.

Trên địa bàn tỉnh, những tháng nóng, một số bệnh truyền nhiễm đã xuất hiện. Trong đó, bệnh sốt xuất huyết chiếm đa số, tiếp đến là bệnh về đường tiêu hóa, bệnh sởi và bệnh tay - chân - miệng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2014, có 618 ca bệnh tay - chân - miệng ở trẻ, 168 ca sốt xuất huyết và 16 ca bệnh sởi. Nguyên nhân chủ yếu là do nắng nóng thuận lợi để muỗi phát triển nhiều dẫn đến dịch bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, trong môi trường tồn tại nhiều tác nhân gây bệnh, đặc biệt các loại thức ăn đường phố không hợp vệ sinh, nắng nóng làm thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn như thời gian gần đây.

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã có những biện pháp nhằm hạn chế và phòng chống dịch bệnh. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong toàn tỉnh; đồng thời, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong nhân dân thông qua tuyên truyền, tờ rơi để mỗi gia đình tích cực phòng chống dịch bệnh. Theo kinh nghiệm nhiều năm, Sở Y tế thực hiện đầy đủ các quy trình phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo công tác diễn ra nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong tỉnh tổ chức thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh truyền nhiễm cấp tính. Từ đó, phần nào hạn chế dịch bùng phát rộng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực y tế vẫn còn bất cập so với yêu cầu hoạt động của ngành. Chủ yếu là thiếu bác sĩ, cán bộ y tế có trình độ trên đại học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của một số đơn vị y tế xuống cấp nên còn hạn chế trong công tác điều trị và giường bệnh có khi quá tải.

Để tránh các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng, chúng ta cần phải vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, không để nước tù đọng tạo điều kiện cho muỗi phát triển, nhà cửa phải gọn gàng, sạch sẽ, ngủ phải mắc màn, vệ sinh tay bằng xà phòng sát khuẩn trước và sau khi ăn hay sau khi đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc hay bị hư thiu, và uống đủ nước. Đối với trẻ em, chúng ta cần phải tập cho trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân tốt: như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu và điều quan trọng là uống đủ nước.

Trong dân gian, ông bà ta thường nói: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người trong gia đình, mỗi cá nhân phải biết các dấu hiệu của bệnh để phát hiện sớm, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Triệu chứng sốt rất cao, xuất huyết dưới da hay chảy máu chân răng, máu mũi, là dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết. Bệnh tiêu chảy thường có những biểu hiện bằng cơn đau bụng, đi cầu phân lỏng nước nhiều lần. Và các triệu chứng nôn mửa, đau bụng, đi cầu lỏng… là những dấu hiệu ngộ độc thức ăn. Đặc biệt, triệu chứng sốt kèm theo loét miệng, nổi hồng ban hay mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân… là triệu chứng bệnh tay - chân - miệng.

Ngô Văn Tán (Giám đốc Sở Y tế)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN