Đó là ý kiến kết luận, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ trong Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 48/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, tổ chức ngày 5-12-2011.
Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; khủng hoảng tài chính tiền tệ, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đã tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh. Đặc biệt, sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 48, công tác phòng, chống tội phạm trên phạm vi cả nước đã bước đầu thu được những kết quả đáng kể. Xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình tốt, như ở Bến Tre, có các mô hình: Tiếng mõ an ninh, Liên kết tứ trụ, Dân vận khéo - Tự phòng, tự quản, Liên gia, Hệ thống điện thoại nội bộ 111… góp phần kéo giảm, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội.
Tuy nhiên, do tác động phức tạp của nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết (thất nghiệp, thất học, tệ nạn xã hội, đời sống khó khăn…), nên tình hình tội phạm dù được các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kiềm chế, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại một số địa phương, việc triển khai Chỉ thị 48 còn chung chung, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, thậm chí có một số nơi việc triển khai mới chỉ đến cấp đảng bộ xã, phường. Sự chung tay thực hiện của các ban, ngành trong công tác phòng, chống tội phạm còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu rộng. Vẫn còn tình trạng một số nơi người dân không dám tố giác, đấu tranh với tội phạm vì sợ bị trả thù… Chính vì vậy, trong năm 2011, cả nước đã xảy ra 74.839 vụ phạm tội các loại và 4.808 vụ vi phạm về pháp luật môi trường. Theo phân tích của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm (138), các loại phạm tội đều tăng từ 1,5% đến 20%, trong đó tội phạm về ma túy tăng trên 20% so với năm 2010. Riêng địa bàn tỉnh Bến Tre, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng cũng đã xuất hiện các loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm trộm cắp, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, tội phạm về tệ nạn ma túy, buôn lậu, trốn thuế...
Đối với những công việc cần tập trung trong thời gian tới, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Phải xem công tác phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mọi ngành, mọi người và của cả cộng đồng từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy là quan trọng và huy động toàn dân tham gia. Tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt làm chuyển hóa các địa bàn phức tạp. Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là trong thời điểm hiện nay, tạo điều kiện an toàn cho nhân dân địa phương vui xuân đón Tết. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm…
Trong Hội nghị sơ kết, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương (Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam) đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trong cả nước.