Phòng ngừa bệnh đốm trắng trên tôm biển trong mùa mưa

23/07/2010 - 09:15
Kiểm tra tôm bệnh. Ảnh: H.H

Theo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, hiện nay ở hầu hết các điểm thu mẫu giáp xác ngoài kênh rạch tự nhiên ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đều bị nhiễm mầm bệnh đốm trắng với tần suất ngày càng cao. Môi trường nước cũng bị ô nhiễm hữu cơ ở mức cao.

Mặt khác, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa mưa bão nhiều, độ mặn ở một số vùng nuôi giảm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng và một số bệnh khác phát triển. Theo khảo sát của ngành, bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng đã xuất hiện rải rác nhiều nơi trong tỉnh và đang có nguy cơ bùng phát thành dịch rất khó trị.
Để việc nuôi thủy sản ổn định trong mùa mưa bão và giảm thiệt hại cho người nuôi, Sở NN&PTNT khuyến cáo một số nội dung sau: hạn chế thay nước, cấp nước; đối với các ao nuôi chưa được 3 tháng tuổi thì không cấp nước vào ao nuôi khi nguồn nước chưa được xử lý triệt để. Đối với các ao đã thu hoạch xong, người nuôi không được bơm bùn đáy ao, chất thải ra kênh rạch tự nhiên. Các vùng nuôi tôm biển có độ mặn dưới 10 phần ngàn không nên thả nuôi vụ 2 vì rủi ro thường xảy ra rất cao. Hiện nguồn nước ngoài kênh rạch tự nhiên bị ô nhiễm hữu cơ rất cao, người nuôi cần lấy vào ao lắng lọc, sau đó mới xử lý cấp vào ao nuôi. Áp dụng qui trình nuôi kín đối với các khu vực thường xảy ra dịch bệnh và qui trình nuôi ít thay nước có kiểm soát đối với những khu vực nuôi ổn định nhằm hạn chế khả năng lây bệnh. Mật độ nuôi thích hợp nhất từ 25 đến 30 con/m2, không nên thả quá dày (>40 con/m2) vì tôm dễ mắc bệnh phân trắng. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng khi cho tôm ăn, không cho ăn thừa, hoặc thức ăn hết hạn sử dụng. Trong khẩu phần ăn cần bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm.  Các yếu tố môi trường nước ao nuôi như độ kiềm, pH, NH3, oxy hòa tan, mật độ tảo cần điều chỉnh trong ngưỡng thích hợp nhất. Đặc biệt, là mật độ tảo cần giữ ổn định trong suốt thời gian nuôi. Hàng ngày, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để phát hiện xử lý kịp thời. Khi tôm có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm bệnh, cần lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh, sau đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc sử dụng các hóa chất kháng sinh được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng. Đối với bệnh đốm trắng, Taura thì người nuôi phải báo ngay cho ban quản lý vùng nuôi để được hướng dẫn cách ly, tiêu hủy. Các ao nuôi đã xảy ra dịch bệnh phân trắng thì trị theo nguyên tắc giảm thức ăn trong mỗi bữa ăn hàng ngày; nếu bệnh nhẹ có thể trộn men vi sinh cho ăn liên tục, nếu bệnh nặng hơn thì dùng kháng sinh cho phép sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kết hợp diệt khuẩn nước ao, thay nước làm sạch đáy ao; nếu bệnh quá nặng thì tiến hành thu hoạch. Thường xuyên theo dõi thông tin môi trường, dự báo thời tiết và các khuyến cáo chuyên ngành để chủ động xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN