Phòng ngừa hiệu quả bệnh không lây

11/12/2020 - 07:04

BDK - Bệnh không lây nhiễm là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay. Tránh các yếu tố nguy cơ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh không lây mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện. Dưới đây là 2 trong số các bệnh không lây mọi người cần biết.

Người dân khám và điều trị bệnh tăng huyết áp tại Khoa Khám Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Phan Hân

Người dân khám và điều trị bệnh tăng huyết áp tại Khoa Khám Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Phan Hân

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý hô hấp thường gặp khiến cho người bệnh khó thở. Vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Bệnh có thể làm chậm tiến triển và điều trị hiệu quả khi phát hiện ở giai đoạn sớm tránh được các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Các triệu chứng hô hấp mạn tính và sự giới hạn thông khí của bệnh COPD gây ra bởi sự bất thường của đường dẫn khí và/hoặc phế nang thường do sự phơi nhiễm với một lượng đáng kể những phân tử và khí độc hại… COPD xảy ra khi phổi bị viêm, tổn thương và hẹp đường dẫn khí. Nguyên nhân chính do hút thuốc, mặc dù tình trạng này đôi khi có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Một số trường hợp COPD là do tiếp xúc lâu dài với khói hoặc bụi có hại.

Để chẩn đoán sớm bệnh sẽ dựa vào các triệu chứng và hô hấp ký là phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán COPD. Ngoài ra, bệnh nhân COPD còn có thể được làm những nghiệm pháp thăm dò chức năng hô hấp nâng cao như phế thân ký, đo độ khuếch tán CO qua màng phế nang mao mạch…

Đối với những bệnh nhân mắc COPD, việc phải kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định. Bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây bệnh, như: không hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói, nhất là khói thuốc lá; tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành.

Bệnh tăng huyết áp

Với thông điệp “Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình”, ngành y tế khuyến cáo người dân cách dự phòng bệnh tăng huyết áp, phòng tránh bệnh tim mạch. Để chủ động phòng chống bệnh, mọi người dân hãy là bác sĩ của chính mình, tự kiểm tra huyết áp hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra thường xuyên.

Lưu ý, cần nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp; không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu, bia) trước đó 2 giờ. Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng, nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.

Trường hợp không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2 - 3 mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff). Khi đo lần đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau; bệnh nhân tránh nói chuyện khi đo. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 - 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).  Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/HA tâm trương. Ví dụ 126/82 mmHg, không làm tròn số quá hàng đơn vị. Mỗi lần đo huyết áp, cần ghi lại số đo vào một quyển sổ nhỏ và luôn mang theo bên mình. Điều này sẽ giúp ích cho bác sĩ nếu chẳng may bạn phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp. Nếu có thể, hãy ghi nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình bởi vì “Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng”.

Bs  Dương Ngọc Loan Thy

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN