Ông Hoàng Minh Sĩ bên vườn dừa phục hồi sau dịch sâu đầu đen.
Hiện tại, diện tích dừa đang cho thu hoạch và trồng mới trên địa bàn xã Phú Long là 1.021ha. Trước kia, người dân trồng dừa ở Phú Long với tổng diện tích 980ha. Vào tháng 10-2022, Hội Nông dân xã Phú Long phối hợp với Trạm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Châu Thành - Bình Đại đã chọn Phú Long làm điểm trình diễn triển khai thực hiện mô hình “Phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại SĐĐ trên địa bàn tỉnh”. Có 10 hộ dân trồng dừa (7 hộ ở ấp Giồng Tre và 3 hộ ở ấp Ao Vuông) đã đăng ký tham gia, với tổng diện tích 5ha.
“Hơn 35 năm, tôi gắn bó trồng dừa trên diện tích 7.000m2. Bị SĐĐ tấn công vườn dừa, gia đình có thu nhập khoảng 50 ngàn đồng/lứa từ vườn dừa, thậm chí phải đốn bỏ 28 cây đang cho trái. Cứ nghĩ là vườn dừa của gia đình không còn hy vọng phục hồi và phát triển trở lại. Tuy nhiên từ 7 - 8 tháng nay, dừa đã cho trái thu hoạch từ 600 đến 3 ngàn trái/lứa”, bà Phan Thị Hoa, 74 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 7, ấp Giồng Tre cho biết.
Thời điểm bị dịch hại SĐĐ tấn công, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã hỗ trợ xã Phú Long hơn 38,9 ngàn túi trứng OKS (tương đương từ 28 - 35 triệu trứng OKS), góp phần đồng hành cùng nhà vườn trồng dừa ở địa phương tiêu diệt hữu hiệu và ngăn ngừa sự lây lan của dịch hại SĐĐ. Nhà vườn trồng dừa trên địa bàn xã Phú Long đã bố trí mỗi túi trứng OKS/thân dừa, được treo cách mặt đất khoảng 1,5m. Cụ thể, mỗi héc-ta dừa, nhà vườn bố trí 75 ngàn túi trứng OKS.
Từ tháng 12-2022 đến tháng 1-2023, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã thả 30 mummy OKS nhộng và 15 mummy OKS sâu non tại vườn dừa của mỗi hộ tham gia mô hình “Phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại SĐĐ trên địa bàn tỉnh” trên địa bàn xã Phú Long. Đến cuối năm 2023, vườn dừa của 10 hộ tham gia mô hình có sự phục hồi mạnh mẽ. Qua kiểm đếm thực tế, trên mỗi cây dừa, địa phương ghi nhận có trung bình từ 15 - 16 buồng (đang trổ bông và sắp thu hoạch), từ 8 - 10 buồng mang trái, trung bình từ 55 - 60 trái/năm. Mô hình đã mang lại lợi ích như: cây trồng được rửa phèn mặn, bón vôi, kiểm tra pH, tăng cường giữ ẩm cho đất trồng... Theo người trồng dừa, năm 2024, trung bình 200 cây dừa được trồng trên 1ha có thể thu hoạch sản lượng ước đạt khoảng 11 ngàn trái/năm/ha.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Giồng Tre Hoàng Minh Sĩ chia sẻ: Tháng 8-2020, địa phương phát hiện SĐĐ gây hại một chòm nhỏ trên vườn dừa của người dân; rồi nhanh chóng lây lan lên 1,3ha. Khi đó, chi bộ cùng chính quyền và đoàn thể ấp nhanh chóng báo cáo cấp trên. Địa phương phối hợp chặt chẽ cùng sở, ban, ngành, đoàn thể và đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh tiến hành thực hiện những biện pháp đặc trị “căn cơ” như: phun xịt dung dịch dạng dầu được chiết xuất từ dầu của ruồi lính đen, thả OKS... Hiện tại, các vườn dừa bị nhiễm SĐĐ đã hồi phục rất tốt và chuẩn bị bước vào thu hoạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Nguyễn Trung Hòa cho biết: Hiện tại, tình hình dịch hại SĐĐ và một số loại sâu gây hại như sâu lông, sâu nái hầu như không còn xuất hiện trên dừa ở địa phương. Riêng bọ dừa, có thể xuất hiện trở lại với tần suất rải rác trên một số cây trong vườn dừa. Địa phương tiếp tục tuyên truyền người trồng dừa dọn dẹp sạch sẽ không gian vườn và theo dõi, thường xuyên thăm vườn. Khi phát hiện SĐĐ phải nhanh chóng báo cáo địa phương để kịp thời triển khai những biện pháp phòng trừ.
Bài, ảnh: Lê Đệ