Học theo gương Bác, chị em xứ biển bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: tiết kiệm từ ngay trong chính gia đình mình. Dẫu về mặt vật chất, những gì chị em tiết kiệm được không lớn nhưng nó thật sự có ý nghĩa. Qua câu chuyện tiết kiệm, chị em nhận thức được và bắt đầu thay đổi thói quen, cách làm việc của mình theo hướng tích cực hơn.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vang Quới Đông, cho biết: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Hội triển khai xuống cả 3 chi hội và 44 tổ phụ nữ trong xã học tập và đăng ký làm theo. Trong đó, nội dung chủ yếu được triển khai là thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí và sửa đổi lối làm việc. Đầu tiên là các chị trong Ban Chấp hành hội thực hiện tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, mỗi ngày 1.000 đồng, đến cuối năm ủng hộ cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiết kiệm về thời gian: đi họp đúng giờ, việc nhà, việc cơ quan có kế hoạch hợp lý. Đối với hội viên (90%) và phụ nữ ngoài hội (75%) đăng ký kiết kiệm chi tiêu trong mua sắm, tiết kiệm điện trong nấu ăn… Khoảng tiền tiết kiệm này giúp chị em làm nhà tắm kín đáo (đạt 97%), mua sọt đựng rác thải gia đình (95%). Từ việc học tập để nâng cao nhận thức, đến việc đăng ký thực hiện, đa số chị em hội viên và phụ nữ đã nhận thức và ý thức sửa đổi thói quen của mình theo hướng tích cực hơn.
Chị Bùi Thị Kim Trí - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thừa Đức: “Tôi luôn ý thức rằng phải gương mẫu trong các phong trào, đặc biệt là phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để thực hiện tốt phong trào, chúng tôi mở sổ đăng ký và hàng tháng có kiểm tra, theo dõi và nhận xét mặt làm được, chưa được nhằm khuyến khích chị em trong tháng tiếp theo. Tiết kiệm đối với phụ nữ Thừa Đức được triển khai rất cụ thể như: không mua các mặt hàng gia dụng chưa cần thiết, tiết kiệm tiền chợ nhưng vẫn đảm bảo chế độ bữa ăn hàng ngày bằng việc trồng thêm rau xanh, nuôi gia cầm… Thời gian qua, chúng tôi khích lệ phong trào bằng nhiều hình thức như kể chuyện, tọa đàm, hái hoa dân chủ, hoặc trong các buổi họp tổ để nêu những gương tiêu biểu cho chị em cùng học tập…
Chị Trần Thị Lệ Hà – Giáo viên Trường Trung học cơ sở Lộc Thuận: Tôi nghĩ cần và kiệm luôn song hành. Trong công tác, tôi luôn đúng giờ và giờ nào việc nấy. Tôi vẫn luôn nhắc học sinh của mình về ý thức tiết kiệm, bắt đầu từ những việc nhỏ: sử dụng đèn, quạt khi thật cần thiết và phải tắt đèn, quạt khi kết thúc buổi học. Ở nhà, tôi luôn giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, có hàng rào cây xanh, tiết kiệm trong mua sắm, điện, nước… Gia đình tôi trước đây
mỗi ngày đi chợ 40.000đ. Bây giờ mỗi lần đi chợ tôi bỏ vào ống heo 2.000đ. Dù không nhiều nhưng qua 2 năm, tôi đã mua được xe đạp cho con. Với tư cách là ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Lộc Thuận, tôi vận động mỗi giáo viên trong trường đều có sổ tự học và ghi chép đầy đủ những việc đã thực hiện được trong tháng và có kiểm tra. Hay với hình thức bỏ vào heo đất mỗi ngày, tổ nhân dân tự quản số 6 - nơi tôi sinh hoạt có 15 tổ viên, càng gần gũi hơn khi có sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau bằng số tiền tiết kiệm được.
Chị Trịnh Thị Kim Hòa – xã Bình Thới: Gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Tôi phải tần tảo mua bán sớm hôm mới mong đắp đổi nuôi 5 người: cha mẹ già, người chị bị bệnh, đứa con nhỏ còn đi học. Khi được học tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, tôi hiểu được giá trị của sự tiết kiệm nên tiêu xài hợp lý hơn. Tiền lời buôn bán mỗi ngày trên dưới 40.000 đồng, tôi dành cho tiền chợ khoảng 30.000, còn lại bỏ ống heo. Dù tiền ít hơn, nhưng tôi tính toán sao cho đảm bảo bữa cơm đầy đủ chất. 6 tháng đầu tiên tôi mua được xe đạp cho con, 6 tháng sau tôi mua được bếp gas, sau đó là cái truyền hình. Cũng từ tiền dành dụm này, dù không nhiều nhưng tôi đã giúp đỡ trẻ em nghèo tàn tật, gia đình neo đơn, tôi thấy rất vui. Tôi muốn nói rằng: Tiết kiệm mang lại lợi ích rất nhiều, lợi ích thiết thực không chỉ trong gia đình mình mà còn cho cả người đang khó khăn xung quanh.