Phụ nữ Mỹ An thoát nghèo từ nghề làm chổi cọng dừa

11/03/2013 - 13:40
Vợ chồng chị Tím với công việc bó chổi thường ngày.

Nghề làm chổi cọng dừa tại xã Mỹ An (Thạnh Phú) có từ lâu đời. Khoảng năm 2005, ngày càng có nhiều thương lái tới đây mua hàng và có nhiều người mở cơ sở làm chổi cọng dừa bán. Đến nay, nghề này đã phát triển mạnh, giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương và giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Theo hướng dẫn của chị Bùi Thị Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ An, chúng tôi đến cơ sở sản xuất chổi cọng dừa của bà Lê Thị Thắm, ở ấp Thạnh Mỹ. Cơ sở này nằm gần con lộ xã, rộng khoảng 80m2, được xây cất bằng cây, lợp lá dừa. Dù đang giữa trưa, nắng gắt nhưng không khí lao động khá nhộn nhịp, sản phẩm làm ra được chất thành đống. Chủ nhà cho biết: Thường ngày, có khoảng một chục người tới đây bó chổi, cũng có lúc  đông hơn. Mỗi người kiếm được vài chục ngàn đồng một ngày, tùy theo làm được nhiều hay ít sản phẩm. Bà Thắm mở cơ sở sản xuất chổi đã hơn ba năm, nhân công làm việc tại đây chủ yếu là phụ nữ hoặc là người lao động nhàn rỗi tới nhận nguyên liệu về nhà làm gia công. Mỗi một cây chổi cọng dừa, đối với  loại hàng thông thường, người lao động được trả tiền công từ 1.200 đồng đến 1.300 đồng, nếu là hàng đặt (chất lượng tốt hơn) thì được trả công 1.500 đồng.

Theo chị Duyên, Mỹ An hiện có hơn 80 cơ sở sản xuất chổi cọng dừa, thu hút trên 600 lao động nhàn rỗi tại địa phương, tạo điều kiện cho chị em thoát nghèo bền vững. Xã đã bảo lãnh tín chấp cho chị em vay để làm nghề, với tổng số tiền trị giá hơn 600 triệu đồng. Mỗi ngày, xã Mỹ An sản xuất được một trăm cây chổi, tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh:  Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh…

Tổng kết công tác năm 2012, Phụ nữ xã Mỹ An được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạnh Phú công nhận là đơn vị xuất sắc, trong đó mô hình làm chổi cọng dừa tại xã được đánh giá là mô hình điểm giúp chị em thoát nghèo bền vững. Trong năm, có 14 hộ được thoát nghèo (xã có 179 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, giảm 7,8%).

Chị Đỗ Thị Tím (ấp Thạnh Mỹ), một trong những người vừa thoát nghèo cho biết, kinh tế gia đình chị hiện nay đã khá hơn nhờ vào công việc bó chổi cọng dừa. Chồng chị Tím bị cưa mất ống chân phải (do bị bệnh) nên không thể lao động nặng được. Do vậy, anh chị đã chọn nghề bó chổi cọng dừa làm kế sinh nhai.

Hoặc trường hợp của chị Tuyết Minh (ấp An Hòa) có con nhỏ, chồng bị bệnh tai biến mạch máu não (nhẹ), không có đất sản xuất. Hội Phụ nữ xã đã giúp chị vay 10 triệu đồng, mua nguyên liệu về làm chổi để bán. Đến nay, kinh tế gia đình chị đã khá lên, có tiền chữa bệnh cho chồng và xây được căn nhà khang trang.

Hay trường hợp của chị Tô Thị Thương (ấp An Bình) là hộ nghèo, phải đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ nhà tình thương (theo Quyết định 167) và vay được 10 triệu đồng, vợ chồng chị mua nguyên liệu về sản xuất chổi cọng dừa để bán. Tích cóp trong thời gian ngắn,gia đình chị Thương đã được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo và còn có tiền nuôi con ăn học…

Chị Võ Thị Thơ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạnh Phú nhận xét: “Hội Phụ nữ Mỹ An đã linh hoạt giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, tạo thu nhập khá và xóa nghèo từ nghề bó chổi cọng dừa. Tính riêng trong năm 2012, Mỹ An đã phát triển thêm gần 20 cơ sở, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.  Được biết, ngoài mô hình làm chổi cọng dừa, xã Mỹ An còn có  các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, như: đan giỏ nhựa, nuôi tôm càng xanh.

Tuy nhiên, vốn sản xuất vẫn còn là chuyện khó trong phát triển sản xuất nơi đây. Và bây giờ, người dân trong xã đang rất cần ngành chức năng hỗ trợ vốn để phát triển các mô hình này.

 

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN