Phụ nữ Tân Phú xóa dần thời gian nhàn rỗi

01/04/2014 - 16:20
Chị Bùi Thị Lánh kiểm tra sản phẩm.

Những năm gần đây, nhiều phụ nữ ở xã Tân Phú (Châu Thành) đã đến với nghề may mặc và đan giỏ gia công, vừa giải quyết thời gian nhàn rỗi, vừa có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình.

Cách đây hơn 9 năm, tại địa phương không có công việc làm thường xuyên, chị Đỗ Thị Cẩm Phương, ở xã Tân Phú lên tận khu công nghiệp ở Bình Dương để làm công nhân may mặc. Khi lập gia đình riêng, chồng làm nghề cơ khí ở Tiền Giang, chị trở về quê, sang xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách) tham gia may gia công cho tổ may mặc. Ngoài nghề may, chị còn chăm sóc con nhỏ. Cuộc sống gia đình luôn bề bộn và chật vật với miếng cơm, manh áo. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của chị Phương, nơi chị làm việc đã đồng ý cho chị nhận nguyên liệu về nhà may gia công.

 Lúc đầu, chị mua 2 máy may công nghiệp đã qua sử dụng, giá hơn 2 triệu đồng/máy, từ số tiền dành dụm được trong khoảng thời gian làm thuê. Chị Phương rủ những phụ nữ lân cận sang cùng may gia công. Mỗi tháng thu nhập ổn định hơn 2 triệu đồng, có thời gian chăm sóc con và lo được công việc gia đình. Tháng 2-2012, chị Phương mua thêm 7 máy may để tiếp tục tạo việc làm cho các chị trong xóm. Đến tháng 6-2012, Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn Bến Tre (DBRP Bến Tre) đã đến khảo sát và đầu tư cho chị 10 máy may, tổ chức dạy nghề miễn phí cho 15 phụ nữ thuộc diện hộ cận nghèo và hộ nghèo. Chồng chị Phương không đi làm thuê nữa mà ở nhà giúp chị nhận nguyên liệu, giao thành phẩm và tham gia các công đoạn phụ.

Khi có được 19 máy may, chị Phương và những phụ nữ thạo nghề may đứng ra truyền nghề cho các phụ nữ khác. Gần đây, chỉ còn một vài phụ nữ đến tại nhà chị Phương may, hơn 10 chị đã đem máy may và nguyên liệu về nhà may vào những lúc nhàn rỗi. Một số chị không trực tiếp may thì nhận làm các công đoạn phụ. Chị Phương cho biết: Mỗi năm vào tháng 11 và 12 âl, nguyên liệu không nhiều, thời gian còn lại đảm bảo giải quyết việc làm cho các chị trong thời gian nhàn rỗi. Những chị thạo nghề may, thu nhập 150.000 đồng/người/ngày, số còn lại trung bình 100.000 đồng/người/ngày.

Buổi sáng chị Nguyễn Thị Màu, ở xã Tân Phú đạp xe đi chợ mua thức ăn cho gia đình, chở theo cái Ksắt (bộ 3) đã đan thành phẩm bằng lục bình đến giao cho Tổ trưởng Bùi Thị Lánh và nhận nguyên liệu về đan tiếp. Chị Màu cho biết, nhận nguyên liệu về nhà lúc nào rảnh ngồi vào đan. Một Ksắt bộ 3 đan thành phẩm, nhận được tiền công 62.000 đồng. Từ khi đến với nghề đan giỏ gia công, chị Màu không còn đi làm cỏ thuê. Mỗi ngày làm cỏ thuê 8 tiếng đồng hồ, nhận được tiền công 100.000 đồng. Đan giỏ thu nhập có thấp hơn nhưng bù lại chị còn quán xuyến được công việc gia đình.

Chị Bùi Thị Lánh - Tổ trưởng Tổ đan giỏ ở xã Tân Phú, cho biết: Chị đã đến với công việc nhận nguyên liệu về rồi tổ chức cho các chị trong xã đan gia công đã hơn 10 năm nhưng không ổn định. Các đây khoảng 2 năm, Dự án DBRP Bến Tre đã hỗ trợ mở lớp dạy nghề. Các chị tham gia học nghề miễn chi phí đào tạo, được hỗ trợ tiền cơm trong thời gian theo học… Dự án DBRP Bến Tre còn giới thiệu Tổ tiếp cận các công ty để cung cấp nguyên liệu, đảm bảo việc làm thường xuyên cho các chị. Xã Tân Phú hỗ trợ kho chứa nguyên liệu và thành phẩm cho Tổ hoạt động thuận lợi hơn. Hiện chị Lánh là người trực tiếp nhận nguyên liệu từ một công ty đóng trên địa bàn huyện Châu Thành và đối tác ở tỉnh Tiền Giang để đảm bảo việc làm cho các chị. Mỗi khi công ty cung cấp nguyên liệu đan giỏ, với mẫu mã mới, chị Lánh trực tiếp tham gia tập huấn rồi về hướng dẫn các chị trong Tổ. Có 42 chị nhận nguyên liệu về để đan giỏ lục bình, 72 chị đan giỏ dây lác và dây mủ. Hàng ngày, vào buổi sáng các chị đến kho của Tổ để giao thành phẩm và nhận nguyên liệu. Mỗi tháng các chị được nhận tiền công 1 lần, với mức từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Ông Võ Hoàng Bá - Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Trong triển khai thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới, địa phương quan tâm nhân rộng các mô hình, trong đó có mô hình may mặc và đan giỏ gia công tại hộ gia đình. Từng thành viên trong hộ gia đình không phải đi làm ăn xa, mà được ở nhà gắn bó với mảnh vườn, chăm sóc cây trồng đạt năng suất và chất lượng. Nghề may, đan giỏ gia công hình thành ngày càng thu hút nhiều phụ nữ ở xã Tân Phú tham gia. Đây là công việc không gò bó về thời gian, nhờ vậy, các chị vừa quán xuyến công việc gia đình, vừa xóa dần thời gian nhàn rỗi, có thêm nguồn thu, góp phần ổn định cuộc sống gia đình và có điều kiện tham gia các phong trào tại địa phương.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN