Phụ nữ Thạnh Phú nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững

06/08/2013 - 15:57
May gia công ở cơ sở Thu Duyên - xã Mỹ An (Thạnh Phú).

Huyện Thạnh Phú có 5.516 hộ do phụ nữ làm chủ, chiếm 15,7%/tổng số hộ; trong đó, có 2.335 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Ngoài việc tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, Hội Phụ nữ huyện Thạnh Phú đã đạt nhiều kết quả trong vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bà Phạm Thị Kim Loan - Phó Chủ tịch Hội chia sẻ: “Toàn huyện hiện có 433 tổ tương trợ đa dạng với hơn 8.100 tổ viên. Các mô hình tương trợ vốn đã giúp cho hàng ngàn chị em hội viên phát triển kinh tế gia đình, góp phần hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới”.

Tổng giá trị các mô hình hội viên (HV) phụ nữ góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững trong 6 tháng đầu năm 2013 hơn 3 tỷ đồng (không kể vốn vay ngân hàng). Huyện Hội duy trì và phát triển các tổ tương trợ, tổ nghề nghiệp; các cấp Hội đã vận động HV góp vốn bằng tiền, vàng, cây giống, con giống… cho HV nghèo, khó khăn mượn không lãi để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là công tác vận động chị em HV hưởng ứng thi đua lập thành tích kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo bền vững”; kết quả, có 15.108 HV/tổng số 25.600 HV tham gia (đạt tỷ lệ 59%) với số tiền vận động tiết kiệm được 1,529 tỷ đồng, đạt 124,4% so với chỉ tiêu (1,228 tỷ đồng), giúp 1.186 chị mượn (xoay vòng) để phát triển kinh tế gia đình.

Các cấp Hội đã tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ nghề nghiệp (46 tổ, 891 thành viên) sản xuất có hiệu quả, với các ngành nghề: may gia công, dệt thảm, đan đát, kết cườm, bó chổi cọng dừa, chăn nuôi. Trong các mô hình này, mô hình may gia công thu hút khá nhiều lao động và mang lại hiệu quả ở các xã: Mỹ An, An Điền, Thạnh Hải. Các xã An Thạnh và Quới Điền đang mở các lớp dạy may công nghiệp cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động nhân dân cùng thực hiện các mô hình: “5 không, 3 sạch”, “An toàn giao thông”, “Đường ngõ sạch đẹp”… đã thu hút số lượng lớn lao động địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn người, tăng thu nhập cho nhân dân và góp phần to lớn vào việc xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới…

Bà Võ Thị Thơ - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thạnh Phú cho biết: “Huyện hội tiếp tục nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả; đồng thời, vận động HV cùng phát huy nội lực là chính, thể hiện ý chí quyết tâm thoát nghèo cao, chăm chỉ lao động và cần kiệm để thoát nghèo”.  

Bài, ảnh: Đ.Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN