|
Cả nhà tập làm giỏ để kịp giao hàng. |
Vào những ngày cuối năm, trên những nẻo đường xã Phước Long (Giồng Trôm) càng tấp nập bởi những chuyến xe đạp, xe honda, xe tải nhỏ chở đầy giỏ làm bằng cọng dừa lá xuôi ngược đó đây.
Xóm làm giỏ nằm dọc sông Hàm Luông và tận bên kia cầu Thừa Mỹ. Vào thời điểm này, ai có điều kiện đi sâu vào các ấp, thường thấy cảnh cha mẹ, anh chị em ngồi bên nhau chăm chỉ đan từng cọng dừa, tất cả đều làm say mê, tạo nên hình ảnh thật ấm cúng trong gia đình. Nghề làm giỏ cọng lá dừa ở xã đã có từ lâu, lúc đầu chỉ có vài chục hộ làm nhưng nay thì rất nhiều hộ tham gia. Chị Tư Hoàng ở ấp 6, vui vẻ nói: “Đan giỏ là việc làm thêm nên chỉ làm thêm vào ban đêm, lúc rãnh rỗi. Làm nghề phụ chứ đỡ lắm”. Tính bình quân, một lao động mỗi ngày có thể kiếm thêm được 25 ngàn đồng. Tuy số tiền chưa phải là bao, nhưng cũng giúp trang trải cho con đi học và cải thiện cuộc sống hàng ngày. Anh Nguyễn Văn Thanh ở ấp 9 thố lộ: “Năm nào cũng vậy cứ vào tháng giêng thì tôi phải đến từng hộ gia đình để đặt hàng, để có đủ hàng giao về thành phố. Mỗi giỏ, tôi kiếm được 500 đồng, nhưng với điều kiện phải gom cho đủ 1.000 giỏ mỗi ngày theo hợp đồng”. Theo các bạn hàng, sản phẩm giỏ cọng lá dừa của Phước Long được thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiêu thụ mạnh với đơn đặt hàng ngày càng nhiều, nhất là loại giỏ đựng hoa và đựng quà. Lúc giáp Tết làm hàng không kịp giao cho khách, lao động làm việc tại nhà mình quên cả ăn sáng, còn cơm trưa và chiều thì không bao giờ ăn đúng giờ. Người lao động ở đây học nghề nhanh, từ đứa bé cho đến những lao động khuyết tật, kể cả những cụ già đều thành thạo công việc đan giỏ. Dù có tất bật với công việc nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng cao, tạo được chữ tín với khách hàng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chủ tịch xã Phước Long cho biết thêm, hiện nay, nghề làm giỏ đã phủ khắp 9 ấp với hơn 1.000 lao động tham gia. Làm giỏ sôi động nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, vốn ít nên ai cũng làm được, nhưng đối với hộ nghèo, cận nghèo thì lại là vấn đề hết sức khó khăn. Những gia đình trong diện này, nhờ sự quan tâm của các đoàn thể xã xem xét cho vay từ vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Phụ nữ, vốn tương trợ của Hội Nông dân và quỹ vì người nghèo, đã tự vươn lên cải thiện cuộc sống. Dự án IFAD đã hỗ trợ cho nông dân đi dự các lớp tập huấn về nghề đan giỏ. Cùng với xã Phước Long, người dân ở các xã lân cận như: Hưng Lễ, Tân Lợi Thạnh cũng nhộn nhịp không kém. Nhà nào cũng chất đầy nguyên liệu và giỏ thành phẩm. Giỏ thành phẩm được buộc lại thành vòng tròn để các chủ vựa ở xã Phước Long đến chở về, cho nên khi làng nghề Phước Long vào xuân thì người làng khác cũng vui lây.