Qua 1 năm thực hiện Đề án phát triển 4 ngàn ha nuôi tôm công nghệ cao

12/01/2022 - 05:59

BDK - Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển 4 ngàn ha nuôi tôm công nghệ cao (CNC), tập trung tại 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đây là một trong những hành động cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh về hướng Đông. Qua 1 năm triển khai, kết quả được các địa phương đánh giá khả quan và có khả năng về đích sớm, trước năm 2025.

Nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Kết quả bước đầu

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho hay, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3004, ngày 1-6-2021 về phát triển 4 ngàn ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đến năm 2025. Theo đó, thu hút được Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam liên kết sản xuất vùng nuôi tôm CNC tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, nhằm đào tạo cho người dân về kỹ thuật, cung ứng vật tư, con giống và liên kết tiêu thụ.

Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 2 ngàn ha, đạt 100% so với kế hoạch và tăng 22% với năm 2020. Năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha, ước sản lượng đạt 40 ngàn tấn. Sở đã phối hợp với các huyện đề xuất vùng nuôi tôm CNC tập trung tại các huyện, gồm: huyện Ba Tri (100ha), huyện Bình Đại (trên 100ha), huyện Thạnh Phú (100ha).

Bước đầu, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức liên kết sản xuất đối với vùng nuôi tôm CNC tập trung trên địa bàn huyện Thạnh Phú; thống nhất bước đầu về phương án hợp tác kết nối hỗ trợ mô hình cho 3 vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng CNC đối với 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú theo chỉ đạo của UBND tỉnh; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Thạnh Phú, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đề xuất bầu Ban sáng lập để vận động thành lập hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC tại vùng tập trung trên địa bàn huyện Thạnh Phú.

Kế hoạch phát triển của từng huyện

Ông Nguyễn Hữu Học - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri nhận định, mô hình nuôi tôm CNC trên địa bàn hiện nay rất hiệu quả. Ba Tri hiện có khoảng 200ha nuôi tôm CNC, trong đó năm 2021 đã phát triển 50ha. Đây là yếu tố tác động đến toàn huyện trong việc khuyến khích chuyển đổi lên nuôi tôm CNC trong thời gian tới.

“Trước đây, Ba Tri chủ yếu nuôi tôm theo mô hình nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn đầu tư. Với mô hình CNC, bước đầu lan tỏa hiệu quả tích cực. Khó khăn hiện nay là việc đầu tư các tuyến đường vào vùng nuôi; hệ thống lưới điện ba pha…”, ông Nguyễn Hữu Học nêu.

Hướng tới, huyện Ba Tri sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành tỉnh xây dựng 6 tuyến đường; 24km hạ thế lên trung thế phục vụ nuôi tôm. Phối hợp chọn vùng nuôi CNC tập trung 100ha tại xã Bảo Thuận. Theo đó, huyện khảo sát thành lập hợp tác xã tại vùng nuôi 100ha này. Đồng thời, huyện đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ đầu vào về con giống, thức ăn; kết nối với ngân hàng hỗ trợ vốn cho các hộ nuôi trong khu vực; đầu tư hạ tầng lưới điện.

Theo kế hoạch đến năm 2025, huyện Bình Đại phát triển 2 ngàn ha. Kết quả qua 1 năm, huyện có 700ha tôm CNC. Định hướng năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ phấn đấu đạt 1.300ha. Về giải pháp, huyện xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong công tác triển khai.

Ông Mai Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết: Theo kế hoạch phát triển 1.500ha, huyện chọn 5 khu vực có khả năng đầu tư phát triển và có xây dựng mục tiêu, phương án triển khai. Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2023: triển khai các vùng nuôi tôm ứng dụng CNC thuận lợi về hạ tầng có sẵn với diện tích 940ha.

Giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2025: Giữ vững diện tích nuôi 940ha, tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi các vùng và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng mới. Phát triển thêm ít nhất 560ha nuôi tôm ứng dụng CNC.

Kết quả triển khai đến nay đạt 700ha nuôi tôm CNC. Hiệu quả lan tỏa bước đầu rất tốt, từ sản lượng đến chất lượng đều đạt theo yêu cầu. Nhiều hộ mở rộng quy mô. Khả năng đến năm 2025 đạt trên 1.500ha, đạt vượt mục tiêu.

Định hướng năm 2022 sẽ thành lập tổ chỉ đạo của huyện, từng xã có tổ vận động để triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi thu hút các doanh nghiệp để đầu tư vào các vùng nuôi trên địa bàn huyện. Hình thành các tổ chức sản xuất nuôi tôm biển CNC để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, huyện Thạnh Phú thành lập ít nhất 1 hợp tác xã có doanh thu 100 tỷ đồng; 5 tổ hợp tác liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ giá trị sản phẩm tôm sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ASC… trên 60%. 100% các tổ chức, cá nhân nuôi tôm ứng dụng CNC đăng ký cấp mã số ao nuôi đúng quy định của Luật Thủy sản. 50% hộ nuôi tôm tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết chuỗi giá trị ổn định đầu vào, đầu ra.

Bên cạnh nuôi tôm CNC, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án nuôi tôm theo hướng CNC trên địa bàn 3 huyện biển, như: nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa, chuyên canh tôm càng xanh… Đã và đang chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất, giới thiệu các mô hình điển hình để người dân tham quan học tập kinh nghiệm. Qua đó, nhằm nhân rộng hiệu quả của mô hình và đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần gia tăng thu nhập cho người dân, chủ động thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN