|
Chợ Lách trồng kiểng chuẩn bị cho ngày tết. Ảnh: Thanh Long. |
Bài 1: Những thành tựu quan trọng trong công nghiệp hoá kinh tế nông nghiệp ở Bến Tre:
Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết lần thứ 5 (NQ số 15) của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) và Chương trình hành động số 13-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2001 - 2010" kinh tế nông nghiệp Bến Tre đã đạt những thành tựu quan trọng.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, đưa trồng trọt và chăn nuôi thành 2 ngành sản xuất chính trong kinh tế nông nghiệp, hình thành rõ các vùng trọng điểm lúa, cây ăn trái, cây dừa, cây mía và nuôi trồng thủy sản. Cây ăn trái diện tích tăng từ 36.390 ha (năm 2002) lên 38.312 ha (năm 2006) đạt 89,10% kế hoạch; phần lớn có sự chuyển đổi, sử dụng giống mới có tính đặc sản, chất lượng cao. Có trên 60% diện tích được đầu tư thâm canh, cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng ngày càng tốt hơn theo yêu cầu của thị trường. Vườn dừa đã gia tăng đáng kể về diện tích và sản lượng, từ 35.435 ha (năm 2002) lên 41.692 ha (năm 2006) đạt 115,80% kế hoạch, sản lượng từ 217 triệu trái lên 271 triệu trái. Ngoài việc đầu tư ứng dụng tốt các kỹ thuật mới trong canh tác với việc nuôi xen tôm cá, trồng xen cam, chanh, bưởi, ca cao, măng cụt, chuối… đã nâng thu nhập cho người trồng dừa lên từ 1,2 - 1,5 lần so với những năm cuối thập niên 90; đến nay đã có trên 20% diện tích tạo được doanh thu 50 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có trên 40 ha thu nhập trên 80 triệu đồng/năm, phần lớn ở Chợ Lách. Diện tích cây lúa tiếp tục giảm còn 38.000 ha theo quy hoạch về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng năng suất không giảm, đạt bình quân 46,63 tạ/ha. Cơ cấu giống có 83% được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng cao, đáp ứng tốt theo yêu cầu xuất khẩu. Đã cơ giới hóa gần 100% khâu làm đất, tưới tiêu, suốt lúa và 30% khâu gieo sạ, cắt lúa. Ngành nông nghiệp chủ trương phát triển ăn chắc 2 vụ/năm, những vùng chủ động nước ngọt chuyển hệ thống canh tác 2 vụ lúa 1 vụ màu. Diện tích mía giảm mạnh theo kế hoạch, toàn tỉnh có 9.693 ha đạt 96,93% kế hoạch, tập trung ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri có trên 80% diện tích được sử dụng giống mới, chữ đường cao, đáp ứng tốt cho công nghiệp chế biến. Ngành chăn nuôi phát triển khá nhanh, trong 5 năm qua có bước tăng trưởng đáng kể, đàn bò tăng trên 200% từ 61.474 con năm 2002 lên 162.657 con năm 2006, đàn heo tăng 10%, với chương trình sind hóa, nạc hóa đã nâng lên đáng kể về chất lượng cho đàn gia súc của địa phương (tỷ lệ lợn ngoại và lợn đem lại kinh tế cao chiếm 95% tổng đàn). Cùng với chương trình phát triển trang trại, phát triển các loại hình nuôi mới như: Dê, cừu, thỏ… đã góp phần ổn định sản lượng ngành chăn nuôi trong tỉnh. Nuôi thủy sản phát triển nhanh cả 3 vùng mặn, lợ, ngọt - diện tích nuôi toàn tỉnh khoảng 43.000/49.000 ha đạt 87,76% kế hoạch, trong đó có 5.500 ha nuôi công nghiệp, sản lượng 78.500 tấn năm 2007. Đặc biệt năm 2006 và đầu năm 2007 tình hình nuôi cá da trơn phát triển nhanh, với trên 400 ha được đầu tư thả giống, tập trung ven các sông Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên và sông Tiền, phong trào nuôi ba ba, cá sấu cũng được nhân rộng đem lại hiệu quả cao.