|
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy trao bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích đóng góp cho công tác an toàn giao thông. Ảnh: T.Long |
* Số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương tuy được kéo giảm nhưng còn ở mức cao
Ngày 6-9-2011, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị sơ kết 8 năm thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo: Bộ Công an, phụ trách phía Nam, Ban An toàn giao thông, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy. Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, tại Bến Tre, các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể, địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và nhận được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, ý thức của người tham gia giao thông ngày càng được nâng lên. Các ngành hữu quan, địa phương đã xây dựng chủ trương, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông phát huy hiệu quả tốt. Việc đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật các phương tiện xe được thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng. Các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT; huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, kiên quyết kềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba mặt (về số vụ, số người chết và bị thương), không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, đã đầu tư xây dựng cơ bản và sự nghiệp giao thông giá trị sản lượng thực hiện đến cuối năm 2010 là 5.043 tỷ đồng, với trên 50 dự án; đã nhựa hóa, bê-tông hóa đường giao thông nông thôn được 3.126km, xây mới 2.715 cây cầu, với tổng kinh phí 1.205 tỷ đồng. Hội KHKT cầu đường tỉnh đã vận động xây được 1.050 cầu và 127km đường. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường công tác kiểm tra, qua đó đã xử lý vi phạm đường bộ 105 ngàn cuộc, xử phạt 492 ngàn trường hợp, với số tiền 107 tỷ đồng; tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy 2,5 ngàn lượt, xử phạt 26 ngàn trường hợp, với số tiền 15,9 tỷ đồng. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tập trung xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT và thông báo về cơ quan, đơn vị trên 30 ngàn trường hợp vi phạm. Tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ 23 tỷ đồng để chuyển đổi phương tiện, ngành nghề với 4.500 phương tiện xe lôi máy thuộc diện đình chỉ hoạt động.
Thực tế số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Đó là do, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp thực hiện. Trong chỉ đạo, có lúc chưa quyết liệt, các biện pháp đưa ra chưa đủ sức răn đe, không thực hiện nghiêm các qui định của pháp luật về trật tự ATGT. Một bộ phận người dân chưa ý thức trong chấp hành Luật Giao thông, nhiều trường hợp vi phạm chưa được phát hiện, chưa xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng nhiều mặt còn hạn chế. Nhiều phương tiện đưa vào sử dụng không đăng ký, đăng kiểm, hết hạn sử dụng, nhất là các phương tiện thủy. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT chưa sâu, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp.
Để phát huy kết quả đạt được trong 8 năm qua và khắc phục những mặt còn hạn chế, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị, ngoài các giải pháp cụ thể mà hội nghị đã thống nhất đề ra, các địa phương, cơ quan, ban, ngành cần quan tâm lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách. Các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể cần xác định rõ công tác đảm bảo trật tự ATGT là trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Trước mắt, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 32 của Chính phủ nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với tính chất, đặc điểm từng địa bàn, từng đối tượng và phải huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các phương tiện, bến bãi, hành lang ATGT. Kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với các loại phương tiện vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không có giấy phép hoạt động. Khắc phục ngay các bất hợp lý có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Kiểm tra, chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe và đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, mà trước mắt là tập trung thực hiện có hiệu quả Tháng ATGT, trong đó thực hiện nghiêm Công văn 1974 của UBND tỉnh về tăng cường giáo dục, xử lý đối với cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm trật tự ATGT. Củng cố, kiện toàn ban ATGT các cấp. Từng cán bộ, công chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang có cam kết không vi phạm giao thông, nhất là khi uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông. Nếu vi phạm thì phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để giáo dục, kiểm điểm. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải làm gương và chịu trách nhiệm, nếu không trung thực khai báo, cố tình che giấu cán bộ vi phạm. Phải xem việc thực hiện ATGT là một tiêu chuẩn trong việc xét thi đua, khen thưởng, đánh giá, bình xét, phân loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cuối năm...