Quản lý, khai thác thương hiệu “Dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre”

04/04/2018 - 15:35

BDK - Sau công bố chứng nhận chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh, Hiệp hội Dừa Bến Tre được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý Bến Tre đối với dừa uống nước xiêm xanh.

Dừa uống nước xiêm xanh được sản xuất khá tập trung tại các xã Phong Mỹ, Phong Nẫm, Mỹ Thạnh (Giồng Trôm). Ảnh: C.Trúc

Dừa uống nước xiêm xanh được sản xuất khá tập trung tại các xã Phong Mỹ, Phong Nẫm, Mỹ Thạnh (Giồng Trôm). Ảnh: C.Trúc

Trước mắt, Hiệp hội Dừa làm đầu mối tổ chức quản lý, khai thác giá trị sản phẩm được bảo hộ tại thị trường trong nước. Ban Thường vụ Hiệp hội Dừa đã họp để có kế hoạch triển khai việc quản lý, trước nhất là việc lựa chọn, xây dựng mô hình điểm đủ tiêu chuẩn chứng nhận để cấp tem nhãn. “Hiệp hội sẽ giao cho doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín và những tổ, nhóm hợp tác trồng dừa có hiệu quả được sử dụng tem dán vào sản phẩm. Hiệp hội sẽ quản lý chặt chẽ việc cấp, sử dụng và lưu hành tem”, ông Nguyễn Trung Chương - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho biết.

Tem nhãn chỉ dẫn địa lý Bến Tre sẽ chính thức trở thành “giấy thông hành” cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh có xuất xứ Bến Tre. Người tiêu dùng có thể tra cứu, truy xuất nguồn gốc, chất lượng, giá cả trên mỗi trái dừa thông qua chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng quét mã vạch.

Chỉ dẫn địa lý cũng sẽ tôn thêm giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín cũng như danh tiếng cho dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre. Những người sản xuất, doanh nghiệp - các đối tượng thụ hưởng trực tiếp các giá trị của nó phải thật sự quan tâm và có trách nhiệm nâng cao kỹ thuật, sản xuất đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn an toàn, chất lượng.

Nếu người sản xuất không tham gia hợp tác xã, hiệp hội thì sẽ không thể tuân thủ quy định của hiệp hội để đảm bảo chất lượng theo đăng ký của chỉ dẫn địa lý. Do đó, các tổ hợp tác trồng dừa phải phát triển và ngày càng hoạt động có thực chất, hiệu quả, tạo tiền đề phát triển lên quy mô hợp tác xã. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động, các sở, ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể phải làm tốt nhiệm vụ quảng bá, thông tin, tuyên truyền để người dân nắm rõ. Đồng thời, Hiệp hội Dừa cũng sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy tính dân chủ, kinh tế để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giám sát sử dụng, khai thác để phát huy chỉ dẫn địa lý. Bến Tre hiện có hơn 7 ngàn héc-ta dừa uống nước trong tổng diện tích 70 ngàn héc-ta dừa toàn tỉnh.

Theo ông Trần Sỹ Quang - chuyên viên tư vấn Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Aliat Legal, Bến Tre cần quy hoạch được vùng sản xuất, sản xuất theo quy trình đã được quy định rõ trong chỉ dẫn địa lý. Người dân phải sản xuất theo đúng quy trình đó. Việc quan trọng khác là làm sao kết nối tốt các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài nước. Về phía công ty, sau khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ đăng ký thành công chứng nhận chỉ dẫn địa lý, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Dừa Bến Tre triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh đủ tiêu chuẩn chứng nhận.

Hiện nay, doanh nghiệp ngành dừa trên địa bàn tỉnh đã mở rộng thị trường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng, khó tính trên thế giới: Mỹ, Canada, Nhật Bản… Vấn đề các doanh nghiệp đang quan tâm là làm sao duy trì được thị trường, giữ mối quan hệ cung ứng ổn định với đối tác. Vì thế, việc quan trọng của người trồng dừa nói riêng và ngành dừa nói chung là tạo được vùng nguyên liệu tập trung, với sản lượng lớn, chất lượng ổn định và gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, điều tiết sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích