Ngày 21-3-2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 26/2018/TT-BTC về việc “Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số (DS) giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Thông tư số 26) nhằm thay thế Thông tư số 20/2013/TTLT-BTC-BYT ngày 20-2-2013 về việc “Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) giai đoạn 2012 - 2015”.
Thông tư số 26 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7-5-2018. Theo đó, quy định và hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân thực hiện các hoạt động DS-KHHGĐ cụ thể như sau:
1. Chi hỗ trợ thực hiện chính sách triệt sản: Đối tượng được hỗ trợ: Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người dân sống tại xã thuộc tỉnh có tổng tỷ suất sinh trên 2,3 con; người làm việc trên biển từ 15 ngày trở lên. Mức hỗ trợ: 300 ngàn đồng/người tự nguyện triệt sản.
2. Đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai (PTTT) theo danh mục do Bộ Y tế ban hành: Đối tượng được cấp miễn phí PTTT: Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người dân sống tại xã thuộc tỉnh có tổng tỷ suất sinh trên 2,3 con; người làm việc trên biển trước khi đi biển dài ngày (từ 15 ngày trở lên) và khi cập bờ vào các âu thuyền tại các xã ven biển có từ 200 người trở lên làm việc trên biển.
3. Chi thực hiện dịch vụ KHHGĐ, xử lý tai biến theo chuyên môn y tế đối với đối tượng tự nguyện triệt sản và người được cấp miễn phí PTTT: Chi thực hiện dịch vụ KHHGĐ và xử lý tai biến theo chuyên môn y tế: Mức chi thực hiện theo giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập hiện hành. Chi tiền công tiêm thuốc tránh thai: theo giá dịch vụ tiêm hiện hành đối với cơ sở y tế công lập.
Hỗ trợ chi phí đi lại (một lượt đi và về) cho bệnh nhân thuộc hộ nghèo, người tự nguyện triệt sản hoặc được cấp PTTT (vòng, thuốc tiêm, thuốc cấy) miễn phí bị tai biến theo chuyên môn y tế đến kiểm tra tình hình bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa từ tuyến huyện trở lên (đối với các bệnh không thuộc danh mục bệnh do bảo hiểm y tế chi trả và chưa được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác) theo chỉ định của bác sĩ sau khi khám, sàng lọc phát hiện tại cộng đồng.
4. Chi hỗ trợ đối tượng tham gia thực hiện sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh: Đối tượng được hỗ trợ thực hiện dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh: là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống tại các vùng có nguy cơ cao, vùng nhiễm chất độc dioxin và chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
5. Chi hỗ trợ khám sức khỏe tiền hôn nhân theo chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định: Đối tượng được hỗ trợ: Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống tại các vùng có nguy cơ cao, vùng nhiễm chất độc dioxin.
Các hoạt động, nhiệm vụ triển khai thực hiện từ ngày 31-7-2017 đến hết ngày 6-5-2018: Nội dung chi thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg, mức chi theo quy định tại các Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Y tế nêu tại Khoản 1 Điều này và các chế độ chi tiêu hiện hành.
Các hoạt động, nhiệm vụ triển khai thực hiện từ ngày 7-5-2018. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg và quy định tại Thông tư này.
Châu Hồng