- Người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm nên mua
những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Tìm mua sản
phẩm ở cửa hàng cố định, uy tín, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Rau,
củ, quả chọn rau tươi, không có màu bất thường. Khi sử dụng tốt nhất cần bảo
quản 3 - 5 ngày. Các loại thực phẩm tươi sống phải có dấu kiểm dịch của ngành
chức năng.
Ngoài ra, khi dùng các thực phẩm chế biến nên chú ý khâu vệ
sinh tay và dụng cụ trong quá trình chế biến. Đặc biệt, nên chú ý tập thói quen
ăn chín, uống sôi đề phòng ngộ độc. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nắm được
những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách bảo quản thực phẩm để
đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
* Thưa bác sĩ, nếu
dùng phải thực phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng sẽ gặp những mối hiểm họa
nào?
- Mối hiểm họa dễ
thấy nhất là người tiêu dùng sẽ đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí cả tính mạng
do bị ngộ độc thực phẩm. Trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ sẽ gây buồn nôn,
chóng mặt, tiêu chảy, đau đầu... và sẽ nhập viện khi bị nặng. Các thực phẩm
không đảm bảo ATVS có thể sẽ nhiễm về vi sinh, hoặc nhiễm hóa chất tác hại xấu
đến sức khỏe người tiêu dùng. Tùy theo số lượng thực phẩm vào cơ thể nhiều hay
ít sẽ gây ra ngộ độc cấp tính, mãn tính.
Các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ
sâu, trừ bệnh và thuốc trừ cỏ dại...), kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh
có trong các loại rau quả hoặc các chất kháng sinh, chất tăng trọng có trong
thịt, cá tích lũy dần trong các mô mỡ, tủy sống... của con người khi ăn phải.
Đó là mầm mống phát sinh các loại bệnh tật như ung thư, loãng xương, suy giảm
trí nhớ và thoái hóa xương khớp… Về lâu dài sẽ làm giảm sút sức khỏe, giảm dần
tuổi thọ và đe dọa tính mạng con người.
* Công tác đảm bảo
ATVS thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên
đán Ất Mùi 2015 được ngành chức năng thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
- Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVS thực phẩm luôn được
sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh; được
triển khai rộng khắp trong tỉnh. Công tác kiểm tra đã được tăng cường từ tỉnh
đến 9 huyện, thành phố.
Năm 2014, đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nghiêm túc công
tác kiểm tra thường xuyên tại các cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm. Riêng
trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, ngành đẩy mạnh phối hợp liên ngành thanh
tra, kiểm tra và xử lý vi phạm ATVS thực phẩm.
Ngoài ra, Chi cục
ATVS thực phẩm còn thực hiện đồng bộ các công tác: thông tin, tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về ATVS thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiểm nghiệm
thực phẩm; cấp giấy chứng nhận ATVS thực phẩm tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Các đoàn đã tổ chức kiểm tra về nguồn gốc của sản phẩm, kết quả đa số đạt yêu
cầu. Một số sản phẩm được sản xuất tại địa phương, cơ sở đã chấp hành theo quy
định về ATVS thực phẩm. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu thử nghiệm của các sản
phẩm thịt, cá, thủy sản, rau, củ, quả… xét nghiệm đa số đều âm tính.
Vừa qua, ngành đã tổ chức 86 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến
thức pháp luật về ATVS thực phẩm cho trên 250 người. Qua đó, đã giúp cho các cơ
sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ý thức, trách nhiệm hơn và nhận thức của
người tiêu dùng về ATVS thực phẩm cũng được nâng cao rõ rệt.
* Xin cảm ơn bác sĩ!